(HNMO) - Với khát khao phát triển nền công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam ngày càng vươn xa ngoài biên giới, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp tâm huyết nói: “Chúng ta cần ưu tiên số 1 là công nghiệp phần mềm và nội dung số. Vì đó là trí tuệ của Việt Nam. Sản phẩm phần mềm và nội dung số của chúng ta cần phải lan tỏa nhanh trong nước và tiến tới xuất khẩu”.
Trong năm 2010, một mốc quan trọng của nền CNTT-TT Việt Nam là Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” chính thức được Thủ tướng phê duyệt.
Đề án này nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng CNTT-TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 – 10%. Đánh giá về mục tiêu cụ thể này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, một người rất tâm huyết với lĩnh vực CNTT-TT nước nhà, đã bày tỏ niềm tin lạc quan: “Tôi tin rằng, mục tiêu trên hoàn toàn là khả thi. CNTT-TT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm và nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào GDP và xuất khẩu. Dịch vụ nội dung số ngày càng có đóng góp tích cực đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.
Còn GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng về Công nghệ thông tin, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin tự hào khẳng định: “Công nghiệp nội dung số mặc dù mới bước đầu hình thành nhưng có tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 50% hàng năm, đem lại nguồn doanh thu đáng khích lệ, 690 triệu USD trong năm 2009”.
Tại hội nghị Quốc gia về Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam 2010 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã đưa ra kế hoạch triển khai đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT)” giai đoạn 2011 – 2015”.
Một trong những kế hoạch để thực hiện được mục tiêu đặt ra là ngành CNTT Việt Nam sẽ dần hình thành một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực nội dung số tiên phong xuất khẩu phần mềm là Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC). Năm 2009, công ty VTC Online đã thành lập 4 công ty con tại các nước: Hàn Quốc, Cam-pu-chia, Lào, In-đô-nê-xi-a và chỉ sau 1 năm hoạt động, các công ty đã mang về doanh thu hơn 5 triệu USD. Năm 2010, VTC Online mở thêm 6 chi nhánh nữa tại Mỹ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nâng tổng số công ty con tại nước ngoài lên con số 10. Dự kiến năm 2011, các văn phòng mới mở thêm cũng sẽ đưa về mức doanh số tương đương, nâng tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài lên hơn 10 triệu USD.
Những hướng đi mới
Cùng với lĩnh vực khác, GameOnline (GO) trước năm 2010 từng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động nội dung số của Việt Nam, phát triển mạnh mẽ với sự gia nhập của FPT và VTC, tiếp đó là Vinagame. Từ năm 2008, mỗi năm các nhà phát hành lớn nhỏ mang về thị trường không dưới 10 tựa game mới. Đến năm 2006, Nhà nước lần đầu tiên ban hành văn bản pháp luật quản lý trò chơi trực tuyến - online game - trong đó, một số quy định chính tập trung vào việc "quản lý game qua việc thẩm định nội dung và kỹ thuật, giới hạn giờ chơi với từng tài khoản và cấm mua bán vật phẩm ảo". Đặc biệt đến năm 2010, nhà nước siết mạnh quản lý GO. Doanh nghiệp phát hành GO cũng có khó khăn nhưng đồng thời có những hướng đi mới để phù hợp hài hòa giữa những lợi ích mà GO mang lại với lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Trao đổi với ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT về việc Nhà nước thắt chặt quản lý GO thì FPT xoay sở ra sao? Ông Nam vẫn vui vẻ cười nói: “FPT có nhiều hướng để đi, có nhiều việc khác phải làm”.
VTC Online cũng vậy. Trước khi có “cơn bão” quạt vào thị trường GO, VTC Online đã sớm nhìn ra hướng đi mới, vì vậy, doanh số cũng không bị ảnh hưởng quá lớn mà vẫn tăng trưởng liên tiếp 300%/năm. Chỉ tính riêng doanh số của công ty Cổ phần VTC Truyền thông Trực Tuyến (VTC Online) năm 2010 đã đạt 100 triệu USD. Dự kiến năm 2011, VTC Online sẽ phát triển mảng dịch vụ nội dung số với 3 hướng chính: Lĩnh vực giải trí với việc sản xuất Game Việt; lĩnh vực giáo dục sẽ phát triển cổng Giáo dục trực tuyến và tập trung vào Thi các chứng chỉ Tiếng Anh và Tin học trực tuyến; hướng ra toàn cầu bằng việc phân phối các sản phẩm nội dung số ra thị trường nước ngoài.
Ông Phan Sào Nam, Giám đốc VTC Online cho biết: “Trong năm 2010, chúng tôi đã cử hơn 50 nhân sự đi nước ngoài để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tri thức phục vụ cho hoạt động nội dung số để trong năm 2011, chúng tôi sẽ phải làm tốt hơn. Bởi, trong lĩnh vực nội dung số, đặc biệt là sản xuất game, một phần chúng ta có những sáng tạo của riêng mình, một phần quan trọng nữa là học hỏi những tri thức của nhiều nước trên thế giới. Như vậy, tri thức, công nghệ, con người quy tụ từ nhiều nơi nhưng sản phẩm là của VTC Online”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.