(HNM) - Phú Xuyên vốn nổi tiếng là đất trăm nghề, nhờ có làng nghề, nhiều xã của Phú Xuyên trở nên khang trang, giàu có. Song, với Khai Thái - một xã thuần nông chẳng có nghề phụ nhưng vẫn thoát nghèo nhờ làm nông nghiệp.
Thu hoạch rau cần tại thôn Khai Thái, xã Khai Thái, Phú Xuyên.
Xã Khai Thái có 5 thôn gồm Lập Phương, Khai Thái, Vĩnh Thượng, Vĩnh Trung và Vĩnh Hạ với trên 2.211 hộ. Là xã thuần nông, Khai Thái xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân làm giàu trên chính đồng ruộng quê mình. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng diện tích gieo trồng toàn xã trên 685,8ha, dựa trên lợi thế đồng đất từng vùng, xã quy hoạch vùng sản xuất. Vùng trồng chuyên lúa 2 vụ, vùng rau màu, vùng cây ăn quả, vùng phát triển chăn nuôi, mô hình trang trại... đã cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao như nuôi ba ba đạt giá trị 200 - 300 triệu đồng/ha, có trang trại đạt hàng tỷ đồng/ha như của gia đình anh Nghiêm Xuân Lịch, với diện tích 8.000m2. Theo anh Lịch, trước kia gia đình chỉ cấy lúa, đời sống tạm đủ, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện, anh mạnh dạn thuê đất của xã để mở trang trại nuôi ba ba, đến nay trang trại ba ba của anh lớn nhất xã. Trung bình mỗi năm xuất ra thị trường 4 tấn ba ba, với giá 300-500 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh thu về hàng tỷ đồng/ha. Hiện Khai Thái có khoảng 30 hộ nuôi ba ba lớn và vừa, khoảng 20 hộ nuôi với quy mô nhỏ. Đây là mô hình nuôi con đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường hiện rất lớn.
Cùng với mô hình trang trại nuôi con đặc sản, mô hình sản xuất rau cần đang đem lại nguồn thu lớn cho bà con Khai Thái. Toàn xã hiện có gần 22ha trồng rau cần, đó là toàn bộ vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi. Chị Đoàn Thị Hà (thôn Khai Thái) cho biết, gia đình chị có khoảng 4 sào rau cần, mỗi năm cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng. Cùng với trồng lúa và làm cây vụ đông, gia đình chị thoát nghèo, kinh tế ngày một khá hơn. "Mỗi năm trồng một vụ lúa xuân còn lại trồng rau cần cho thu hoạch 5-6 lứa (mỗi lứa 25-30 ngày), mỗi lứa thu hái từ 1,8 đến 2 tấn rau/sào. Với giá bán buôn trung bình tại ruộng thấp nhất là 3.000 đồng/kg, giá cao nhất từ 5.000-7.000 đồng/kg, mỗi năm nông dân Khai Thái thu được gần 2 tỷ đồng/ha từ trồng rau cần" - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cho rằng, để có những mô hình kinh tế hiệu quả như trên, việc quy hoạch, dồn điền đổi thửa (DĐĐT) có vai trò quan trọng. Từ năm 1993, xã tiến hành dồn ô thửa lần thứ nhất, nhận thấy số ô, thửa vẫn lớn, xã tiếp tục thực hiện dồn ô, thửa lần thứ hai vào năm 2007. Đến nay số hộ có từ 1-2 thửa chiếm 60%, còn lại chủ yếu là 3 thửa/hộ. Theo lộ trình, trong năm 2012 xã sẽ hoàn thành DĐĐT xuống còn một ô thửa. Khai Thái là xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2, tuy nhiên Đảng bộ xã quyết tâm sớm hoàn thành DĐĐT, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành xây dựng NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.