Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nỗi đau” - Tâm tình người phụ nữ thời hậu chiến

Tần Tần| 28/02/2011 06:56

(HNM) - Một vở kịch mà sân khấu chỉ một cảnh duy nhất, diễn viên duy nhất, nhưng dường như nhận được tràng pháo tay tán thưởng dài nhất trên sân khấu kịch trong thời gian gần đây. Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội làm lay động khán giả Thủ đô qua vở kịch

Cảnh trong vở “Nỗi đau”.


"Nỗi đau" là vở kịch được dàn dựng theo cuốn tự truyện cùng tên của Marguarite Duras - nữ văn sĩ được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Toàn bộ vở diễn đã tái hiện cuộc sống thường nhật của tác giả sau ngày giải phóng Paris (1945), trong đó mọi diễn biến khắc họa tâm trạng của một người phụ nữ chờ chồng trở về từ trại tập trung. Tất cả tình tiết đều diễn ra tuần tự như ta lật giở từng trang cuốn nhật ký màu xanh của Marguarite. Đó là khi Marguarite ở nơi làm việc, trên chiếc bàn viết mong ngóng tin tức của chồng - Robert A (Robert Antelme), lúc này đã bị đưa tới một trại tập trung của Đức. Bà lật đi, lật lại từng trang của cuốn sách và đặt tên sự đợi chờ của mình là "nỗi đau": "Từ "nỗi đau" có lẽ đúng với cuộc đời tôi nhất. Từ "viết" không hợp lý, bởi tôi viết một cách thoải mái, như công việc tự nhiên"… Nỗi đau cũng liên tiếp được nhắc lại trong chuỗi ngày dài "phải giữ năng lượng cho lúc đớn đau". Dường như, với nhân vật “tôi”, cuộc sống chỉ là sự chờ đợi người chồng. Bà quanh quẩn bên chiếc điện thoại. Bà lập danh sách những người đã trở về từ trại tập trung, thông tin tới người thân của họ hằng ngày. Bà tới sân ga từ 3h chiều, ở tới 7h tối, có khi qua đêm ngóng chồng. Mặc dù luôn có nhân vật D (Dionys Mascolo - người tình của Duras) bên cạnh an ủi, song bà chẳng có phút thanh thản. Bà sống trong những cảm xúc lẫn lộn đan xen. Bà tưởng tượng ra chồng mình đã chết, có lúc bà nghĩ Robert A trở về và họ cùng tới biển, vì Robert A yêu biển. Khi thì bà hổ thẹn, bởi "có bao phụ nữ phải chờ đợi giống tôi, thế mà tôi thì lại đau khổ tuyệt vọng thế này"; lúc thì bà lại mạnh mẽ khi động viên người hàng xóm cùng cảnh ngộ…

Cuối cùng Robert đã trở về, là người may mắn trong cái tỷ lệ 1/1000. Một sự trở về tiều tụy, thảm hại. Duras chăm sóc tỉ mỉ, yêu thương để chồng bình phục. "Nỗi đau" không chỉ tái hiện tâm trạng một phụ nữ chờ chồng, mà còn là tiếng nói tố cáo những hậu quả mà chiến tranh để lại, là sự ngợi ca người phụ nữ kiên định, giàu yêu thương.

"Nỗi đau" chỉ có một nhân vật duy nhất. Suốt 90 phút, nữ diễn viên Dominique Blanc độc diễn. Ngay từ khi vở diễn chưa bắt đầu, khán giả đã thấy bà ngồi quay lưng xuống phía dưới, trên bàn là một chai nước, một cuốn sổ, phía đối diện là 5 chiếc ghế xếp thành dãy. Sân khấu đơn giản chỉ có vậy. Và cái sự ngồi im lặng, bất động gợi sự chờ đợi mòn mỏi, lâu dài hơn… Nhưng Dominique đã biến hóa tài tình qua những trạng thái, cảm xúc khác nhau. Bằng vài động tác như khoác chiếc áo, xách túi, bà đã nhanh chóng chuyển từ cảnh ở nơi làm việc tới ga tàu. Bằng cặp búi lại tóc, bà đã chuyển từ ngày đợi chờ này sang ngày đợi chờ sau. Chỉ mình Dominique mà người xem thấy được bao nhân vật, là D, L, ngài bộ trưởng, người hàng xóm, người chồng trở về tiều tụy… Tài năng của Dominique đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng dài khi vở diễn kết thúc và bà phải ra chào khán giả tới lần thứ 3.

Chọn lối dàn dựng một diễn viên, một cảnh, hai đạo diễn Thierry Thieu Niang và Patrice Chereau đã tạo ra một vở diễn ít tốn kém mà đầy hiệu quả. Thành công cho thấy sự tinh tế của đạo diễn, diễn xuất tài tình, giàu xúc cảm của diễn viên mà sân khấu kịch chúng ta cần học hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nỗi đau” - Tâm tình người phụ nữ thời hậu chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.