(HNM) - Tối 12-9, người dân TP Hà Nội bàng hoàng trước tin 8 học sinh Trường THCS An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức) chết đuối ở hồ Tuy Lai. Đêm xuống, vùng đất nghèo An Mỹ chìm sâu hơn trong nỗi đau thương.
Những tiếng than khóc, những vòng hoa trắng, những tiếng kèn rầu rĩ…, không chỉ còn là lời cảnh báo nhức nhối mà trong sâu thẳm thật sự đã là những lời oán trách… Những đứa trẻ không còn được sống trong cái tuổi "thần tiên" đã để lại nỗi ân hận, sự dằn vặt cho những người làm cha, làm mẹ và cho cả xã hội.
Năm nào cũng vậy, các cơ quan thông tin đại chúng liên tiếp đưa ra lời cảnh báo về tai nạn đuối nước nhưng dường như không đủ sức mạnh để đẩy lùi những tai nạn thương tâm. Đáng buồn hơn, tai nạn đuối nước ngày một gia tăng, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 trẻ em. Từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Và, tỷ lệ này ở Việt Nam, theo Liên đoàn Cứu sinh quốc tế, cao gấp hai hoặc gấp ba tỷ lệ bình quân của thế giới.
Môi trường không an toàn từ trong mỗi gia đình đến ngoài xã hội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những tai nạn đuối nước. Một sự thiếu giám sát, hay quá mải mê với công việc hằng ngày mà sao nhãng chăm nom con trẻ đều có thể dẫn đến những cái chết đau lòng. Vì một chút lơ là của người lớn, trẻ có thể rơi xuống ao, giếng, bể nước… Rồi sông, hồ, đập nước, các công trình xây dựng, những công trình giao thông dở dang, những hố ga, rãnh nước, đường ống không có cơ quan chức năng quản lý đều có thể biến thành những lưỡi hái tử thần. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những cái chết oan uổng, nhưng tựu trung là sự thiếu quan tâm đến trẻ nhỏ.
Những tai nạn thương tâm do đuối nước gây ra có một phần trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giám sát con em mình, nhưng cũng có trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thực tế mỗi năm, Nhà nước đều trích một phần ngân sách cho bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhưng những việc cần làm ngay để giảm thiểu tai nạn đuối nước lại chưa được quan tâm đúng mức. Những cái chết của các em nhỏ do đuối nước vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ là minh chứng đau lòng cho điều đó.
Đề án về việc đưa bộ môn bơi lội vào dạy trong các trường tiểu học, trung học cơ sở đã được khởi động nhưng vướng mắc trong việc thực hiện còn quá lớn. Việc xây dựng bể bơi ở các xã, phường là cả vấn đề, nói gì đến chuyện xây bể bơi trong mỗi trường học để phổ cập bộ môn này cho học sinh. Chẳng đâu xa, ngay trong trung tâm thành phố, không phải gia đình nào cũng có thể cho con cái học bơi trong mùa hè vì số lượng bể bơi có hạn. Và nếu mỗi xã, phường có một bể bơi, liệu có phù hợp? Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều lỗ hổng, chế tài xử lý những hành vi gây tai nạn đuối nước chưa được quy định rõ ràng. Khi xảy ra tai nạn, không ai có trách nhiệm và không ai phải chịu trách nhiệm…?!
Nguyên nhân quá cũ này đang liên tiếp gây ra những nỗi đau mới cho hàng trăm gia đình. Thế nhưng không ai dám chắc rằng những tai nạn đuối nước thương tâm ở vùng quê An Mỹ sẽ không còn tái diễn ở nơi này nơi khác. Không thể cảnh báo rồi để đấy, đã đến lúc cả xã hội cần hành động quyết liệt để đẩy lùi tai nạn đuối nước, để những người đang sống hôm nay không phải canh cánh bởi nỗi đau mất con, mất cháu có thể đến bất cứ lúc nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.