Dù đã bước vào tuổi
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I, khai mạc tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
1. "Lão đại biểu" Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội (QH), Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII… có lẽ là người gắn bó lâu nhất, dài nhất với QH ở Đoàn đại biểu QH Hà Nội. Dù đã bước sang tuổi 94 nhưng những ký ức về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn được ông kể lại mạch lạc tựa như đã in đậm trong trái tim, khối óc người đại biểu lâu năm này. Ông kể rằng, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là tổ chức sớm nhất có thể cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra QH. Phiên họp nhanh chóng thống nhất và bầu Bác làm Chủ tịch Ủy ban Bầu cử. Vì tính chất cấp bách, cuộc Tổng tuyển cử lẽ ra đã diễn ra ngay trong năm 1945, nhưng vì khâu chuẩn bị gặp nhiều khó khăn, nên phải lui đến ngày 6-1-1946. Khi đó ông Nguyễn Văn Trân mới 29 tuổi, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, được giao tổ chức giới thiệu đại biểu QH tại Nam Định.
"Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là cuộc đấu tranh quyết liệt về chính trị, quân sự. Các thế lực phản động điên cuồng chống phá, dọa nạt cử tri, âm mưu bắt cóc, ám sát các ứng viên của Việt Minh. Thậm chí như ở Ngũ Xã, bọn phản động còn dùng súng tiểu liên để dọa nạt, ngăn không cho đặt hòm phiếu, treo cờ" - ông hồi tưởng. Theo ông, đây cũng chỉ là một phần trong vô số lý do tạo nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Dù vậy, dòng người đổ đi bầu cử vẫn không ngớt, có lẽ vì ai cũng hiểu đây là tương lai đất nước, tương lai của chính bản thân họ. Đó cũng là nhờ niềm tin của dân chúng dành cho Bác Hồ, cho Việt Minh. "Dù có những mất mát, hy sinh, nhưng cuộc tổng tuyển cử đã thắng lợi hoàn toàn. 89% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại Hà Nội còn cao hơn" - ông Nguyễn Văn Trân cho biết.
Trở lại với hoạt động QH thời kỳ đổi mới, đại biểu Nguyễn Văn Trân đánh giá cao tinh thần và kết quả đổi mới hoạt động của QH những nhiệm kỳ gần đây. Ông cho rằng, một lời khen như thế vẫn chưa đủ, nhưng QH ngày nay cần không ngừng nâng cao chất lượng qua mỗi kỳ họp, vì dân trí ta ngày càng cao, QH và đại biểu QH không chịu khó đổi mới sẽ không theo kịp, dần trở nên xa rời thực tế.
2. GS - TSKH Nguyễn Tài Lương, Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, đại biểu HĐND TP và nguyên là đại biểu QH khóa XI nói rằng, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH là niềm tự hào đối với tất cả các đại biểu QH. Vì nhờ có QH đầu tiên mà chúng ta có Nhà nước đầu tiên của dân, do dân và vì dân. Chính Nhà nước đó đã đứng mũi, chịu sào, lái con thuyền Việt Nam vượt qua bao nhiêu ghềnh thác, gian khổ, thắng "giặc đói", thắng "giặc dốt", thắng giặc ngoại xâm, bây giờ đang đi theo con đường Bác Hồ đã chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa đất nước tiến lên. Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn dõi theo các hoạt động của QH. "Năm nay tôi cũng rất tự hào về QH. Vì với tinh thần đổi mới, QH đã hoạt động chất lượng hơn, đóng góp nhiều ý kiến và những ý kiến đó có tác động to lớn giúp cho cả hệ thống chính trị thấy được hạn chế, yếu kém để tiếp tục lãnh đạo đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ông tin tưởng, trong thời gian không xa, nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển và thân thiện với môi trường.
3. Bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc gia đình và trẻ em, đại biểu QH khóa IX, X, là một trong những người gắn bó sâu sắc với trẻ em, phụ nữ. Mỗi kỳ họp QH, bà Thanh đều chuẩn bị rất kỹ những ý kiến phát biểu bằng nhiều hình thức như tiếp xúc với trẻ em, phụ nữ, làm việc với các đoàn thể, chính quyền… "Đại biểu phải có cái nhìn khách quan, toàn diện để tránh phát biểu sai, phát biểu lạc chủ đề hoặc phát biểu nhạt" - bà Thanh chia sẻ. Trong 10 năm gắn bó với QH, bà Trần Thị Thanh Thanh thường xuyên có những ý kiến vì quyền lợi và trách nhiệm đối với trẻ em. "Bàn về Luật Đất đai tôi cũng phải nêu ý kiến của mình nhằm đòi hỏi quyền có đất để làm trường học hay nơi vui chơi cho trẻ em…" - bà nói.
Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, mỗi đại biểu QH đều phải xác định rõ mình đại diện cho ai, cho cái gì để phấn đấu làm sao cho tiếng nói của mình tại QH được chấp thuận. Bà cũng ủng hộ dự định tăng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách lên trên 30% hiện nay, nhưng không cho rằng tăng quá nhiều là tốt. "Chuyên trách quá đông, muốn hay không cũng sẽ bị bệnh hành chính, tiếp cận thực tiễn cũng sẽ hạn chế. Tỷ lệ có lãnh đạo địa phương, đại diện các thành phần làm đại biểu QH là rất quý, vì chỉ có họ trong nghề mới thấu hiểu rõ những vấn đề để đề xuất chính xác" - bà khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.