Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ tật nguyền

Bài, ảnh: Đoàn Đại Trí| 14/04/2013 06:47

(HNM) - Sinh năm 1942 tại phố Hàng Gà (Hà Nội) nhưng ông lại lên đường vào Nam lập nghiệp. Kỳ lạ hơn, một mình giữa vùng đất xa lạ, ông chỉ chú tâm vào chuyện làm từ thiện...

Ông Minh bảo, gia đình ông hồi trước có bốn anh em, nhà ở phố Hàng Gà, nhưng cha mẹ làm nghề bán thuốc lào ở chợ Đồng Xuân, nhờ thế gia cảnh cũng không đến nỗi khó khăn. “Hồi bé, tôi nhớ nhà tôi ở gần đê sông Hồng, chỉ chạy loáng một cái là đã tới bờ sông rồi. Rồi tôi đi xa Hà Nội đến lúc sau ngày giải phóng miền Nam mới có cơ hội để trở về. Khi ấy, do điều kiện còn hạn chế nên không biết cha mẹ và anh chị ở đâu, chỉ nghe nói là sau khi cả gia đình sơ tán lên Sơn Tây thì cha tôi phải quay lại Xuân Mai để tiếp tục công tác. Mẹ và các anh chị từ đó cũng bặt tin cha và nghe nói, mọi người cũng đã quay trở lại Hà Nội nhưng không ở căn nhà cũ trên phố Hàng Gà, vì đã bị bom đánh sập. Gia đình phải xuống Hà Đông ở nhờ một người bác bên ngoại. Sau đó, khi đã liên lạc được với các anh chị thì tôi cũng biết tin cha mẹ đều đã qua đời nên cũng ít về quê nữa…!”. Nhấp ngụm nước trà, ông Minh vừa thở dài nói trong ánh mắt buồn xa xăm.

Ông Minh hướng dẫn trẻ khuyết tật học nghề.


Dẫu vậy, ông Minh bảo, từ bé, ông đã được cha mẹ dạy dỗ đức tính thương người như thể thương thân, ngay từ việc phải đối xử tốt với những người giúp việc trong gia đình mình vậy. Thế nên, đức tính thương người, lòng nhân ái đã ăn sâu vào tiềm thức người đàn ông gốc Hà Nội này ngay từ những ngày còn thơ ấu. Bôn ba vào Nam lập nghiệp từ năm 1954, trong hành trình gây dựng cuộc đời cho riêng mình, dù có lúc cũng gặp nhiều chông gai nhưng ông luôn quan niệm, giúp người cũng chính là giúp ta vậy. Có lẽ đấy cũng chính là động lực để mấy chục năm qua ông luôn duy trì mái ấm Mùa Xuân này với hy vọng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời, cho những con người đã không may mắn khi có mặt trên cõi đời này.

Kể về mái ấm của mình, ông Minh cho biết, năm 1999, tình cờ có mấy đứa cháu ở quê lên thành phố thi đại học, kể ông nghe một cô gái khuyết tật vẽ đẹp, mê thể thao nhưng không có tiền thực hiện ước mơ thi vào đại học. Ông Minh nhận lời giúp ngay cô gái đó, và rồi ông gắn bó với việc chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh lúc nào không hay. Thành lập năm 1999, cơ sở Mùa Xuân không có bảng hiệu, chỉ là một gian nhà nhỏ rộng chừng hơn 40m2, vừa là chỗ ở, vừa là cơ sở sản xuất thủ công, mỹ nghệ, nhưng đến nay đã đón nhận cả trăm trẻ em khuyết tật.

Hạnh phúc cuối đời

14 năm làm đủ thứ nghề, kể cả làm xe ôm để kiếm tiền chăm lo cho những đứa trẻ tật nguyền, ông Minh đã khiến bao người cảm phục. Nhưng người ta càng kính phục hơn khi ông Minh còn rèn dạy những mảnh đời khiếm khuyết “tàn nhưng không phế” bằng việc tập luyện thể thao và khiến cơ sở Mùa Xuân nhỏ bé này thành “mỏ vàng” của thể thao người khuyết tật Việt Nam, khi mà những “đứa con” của ông mang về huy chương vàng, bạc trên các đấu trường Seagames, ASIAN, Olympic… về cho đất nước. Đến bây giờ, không có gì lạ khi những người con nuôi của ông cũng chính là những tên tuổi khá quen thuộc của làng thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Đó Nguyễn Thị Minh Lý, cô gái khuyết tật vẽ đẹp, mê thể thao nhưng không có tiền thực hiện ước mơ thi vào đại học được ông cưu mang đầu tiên. Bốn năm được ông Minh nuôi dưỡng, luyện tập ở bộ môn bơi lội, Lý đã giành được 3 tấm Huy chương Vàng tại ASEAN Para Game 2003 tổ chức tại Việt Nam và 2 HCV tại ASEAN Para Game 2005 do Thái Lan đăng cai. Đó là Dư Thị Lan (vận động viên bơi lội) đã được tham dự Thế vận hội Olympic London năm 2012 với tư cách đạt chuẩn A dành cho người khuyết tật. Có thể nói, được vinh dự đại diện cho những người khuyết tật Việt Nam tham dự một kỳ đại hội lớn như Para-Olympic London là cả một niềm tự hào lớn lao bởi cả nước chỉ có 11 vận động viên đủ điều kiện tham dự ngày hội lớn này. Và, điều đáng tự hào hơn nữa Lan vốn là một đứa bé tật nguyền được ông Minh tình cờ tìm thấy ở bệnh viện khi gia đình bỏ rơi em và mang về cưu mang đã hơn chục năm nay.

Ở cơ sở Mùa Xuân còn có rất nhiều huân, huy chương đã được các em mang về trong những cuộc thi, chủ yếu là Para-Seagame (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á). Như em Nguyễn Thị Sa Ri, một cái tên khá thân thuộc với người hâm mộ thể thao Việt Nam khi cô từng giành 5 Huy chương Vàng Para-Seagame tổ chức ở Việt Nam (2003) và Thái Lan (2005) cùng nhiều huy chương vàng tại các cuộc thi Châu Á, khu vực khác. Kể chuyện về Sa Ri, ông Minh bảo, Sa Ri sinh ra ở huyện Cần Đước, Long An, lên 3 tuổi, một cơn sốt nặng đã cướp đi đôi chân của em. Học hết lớp 12, Sa Ri lên TP đi khắp nơi để xin việc nhưng không được vì bị khuyết tật. Rồi tình cờ ông đã gặp cô gái ấy và quyết định nhận về làm tại cơ sở Mùa Xuân. Thấy sức khỏe Sa Ri yếu, ông Minh dạy bơi cho cô để tăng sức dẻo dai. Ngay ngày đầu tập, Sa Ri đã nhanh chóng bơi được vài mét. Nhận thấy khả năng bơi lội của Sa Ri, ông Minh kiên trì tập luyện cho cô để rồi có kết quả ngày hôm nay. Sa Ri đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cao quý, một phần thưởng xứng đáng dành cho cô sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi trong cuộc sống.

Khi chia tay chúng tôi, chợt ông Minh thở dài, mắt đăm đăm một nỗi lo. Tôi thầm hiểu, trước đó, trong câu chuyện, ông có lúc chững lại khi kể rằng, cơ sở khuyết tật Mùa Xuân đã phải chuyển nơi ở tới 12 lần và hiện vẫn là căn nhà thuê. Nuôi dưỡng chăm sóc các em, toàn một tay ông lo liệu bằng đủ thứ nghề khác nhau. Bây giờ, đã bước qua cái “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe đã sút giảm nhiều, ngày về với các cụ không còn xa nữa, cơ sở và những đứa trẻ tật nguyền sẽ ra sao?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ tật nguyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.