(HNM) - Nhà trẻ chỉ nhận giữ bé từ 18 tháng tuổi, trong khi đó các bà mẹ phải đi làm trở lại sau 4 tháng nghỉ sinh con. Vậy nên nhiều ông bố, bà mẹ trẻ phải chấp nhận gửi con về quê cho ông bà nội ngoại hoặc gửi ở những cơ sở trông giữ nhóm trẻ gia đình, tự phát. Hệ lụy đau lòng là hàng loạt vấn đề mà dư luận thời gian qua đã nhiều lần lên tiếng như bảo mẫu lấy băng keo dán miệng bé, nhốt vào cầu thang máy, tắm cho bé bằng chân…
Gà trống chăm con
Khu nhà trọ số 1299 tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức vào buổi chiều. Mọi người ở đây đã đi làm. Hai dãy nhà trọ với 40 phòng vắng tanh, các cánh cửa im ỉm khóa. Chỉ có một thanh niên đang ở nhà. Vừa khuấy bột đút cho em bé, anh Lê Cao Đẳng vừa kể chuyện. Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, năm nay 27. Chồng làm bảo vệ ở một công ty chế biến gỗ, lương 2 triệu đồng/tháng. Vợ thu nhập cao hơn một chút nhờ tăng ca. Cuộc sống sau ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ có vẻ êm xuôi. Thế nhưng kể từ khi cháu bé ra đời, gần như mọi thứ bị đảo lộn bởi hàng loạt vấn đề nảy sinh. Khó khăn từ chuyện tiền bạc chi tiêu cho gia đình, đến việc làm của hai vợ chồng. Khổ nhất là không có chỗ gửi em bé vì nhà giữ trẻ thì chỉ chịu nhận bé từ 18 tháng tuổi trở lên. Gửi về quê cho ông bà nuôi giúp thì không nỡ, vì bé còn quá nhỏ, cần được bú sữa mẹ. Bàn đi tính lại, cuối cùng vợ chồng quyết định phải có một người nghỉ làm ở nhà chăm con. Thu nhập của vợ cao hơn, vợ sẽ đi làm để nuôi cả nhà. Vậy là chồng phải bỏ việc. Cô công nhân trẻ tích cực tăng ca để có được 3 triệu đồng nuôi 3 con người. Tiền bỉm giấy, tiền sữa, bột cho bé 1,2 triệu. Tiền nhà và điện nước 800.000 nữa. Vậy là hai vợ chồng chỉ sống với 1 triệu đồng.
Anh Lê Cao Đẳng ẵm con ra trước ngõ chờ vợ đi làm về. |
Cùng khu nhà trọ, ở cuối dãy bên kia cũng có một thanh niên đang chăm sóc em bé. Chế Học Yên năm nay 30 tuổi, làm việc ở Công ty AM, chuyên sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất. Vợ Yên 26 tuổi, làm việc ở Công ty Sao Việt, chuyên về may mặc, thêu và da giày. Thu nhập của hai vợ chồng 6 triệu/tháng. So với mặt bằng thì thu nhập của vợ chồng Yên không đến nỗi nào, nhưng thực tế chi tiêu thì vẫn thiếu vì còn có em bé. Vì không có tiền gửi con vào nhà mẫu giáo tư nhân, lại không dám gửi các bà bảo mẫu hành nghề tự do, vợ chồng Yên đành chấp nhận xa con. Đứa bé được gửi về cho ông bà nội ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định nuôi nấng. Nhưng tình mẫu tử làm sao dứt ruột, sau Tết hai vợ chồng đã đưa cháu bé trở vào. Sau nhiều ngày cất công khảo sát, may mắn, Yên đã chọn được một nhà trẻ tư nhân nằm trên con đường hằng ngày đi làm. Giá cả cũng phải chăng, mỗi tháng 500.000 đồng. Cuối ngày, anh không tăng ca để đón bé.
Câu chuyện của vợ chồng Lê Cao Đẳng, Chế Học Yên không phải là cá biệt, riêng lẻ. Hàng chục vạn công nhân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam này đều thấy hình ảnh của mình trong đó. Tại khu nhà trọ 1089/13 tỉnh lộ 43, một chiếc chiếu mỏng manh trải ngay giữa lối đi giữa hai dãy nhà trọ úp mặt vào nhau. Một phụ nữ đang cầm bình sữa dỗ đứa bé. Bên cạnh đó là một em bé chừng 3 tuổi. Người phụ nữ tên Thanh là chị của mẹ hai em bé, từ Nghệ An vào giữ cháu cho vợ chồng người em đi làm. Như vậy là hai suất lương của đôi vợ chồng phải cáng đáng nuôi 5 người.
Hiện nay các nhà trẻ tư thục lấy mức phí quá cao, công nhân không thể kham nổi. Còn các nhà trẻ công lập giá thấp hơn, chăm sóc tốt hơn thì không đến phần con công nhân được gửi. "Như tôi đây mà còn phải nhờ vả, chạy vạy mới gửi được con vào nhà trẻ công lập, nói gì đến công nhân", ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết. Chưa nói tới việc theo quy định của ngành giáo dục thì mỗi lớp chỉ 25-30 bé, nhưng hầu như các nhà trẻ đều có tới 45 cháu một lớp.
Đa số các cháu bé được gửi vào những "nhóm trẻ gia đình". Gọi vậy cho oách, chứ thực ra "nhóm trẻ gia đình" chính là những chỗ nhận giữ trẻ tự do. Ở nhiều nơi gọi là "nhóm trẻ gia đình" này, thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ bảo mẫu hành hạ em bé, đã khiến xã hội quặn lòng. Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân Công ty Quint Major nói rằng, chị gửi con ở "nhóm trẻ gia đình" mà lo ngay ngáy, nhưng không gửi đó thì biết gửi đâu?
Trách nhiệm… ngoài hàng rào
TP Hồ Chí Minh có 15 KCX, KCN với khoảng 250.000 công nhân làm việc, chưa kể người lao động làm cho các công ty, xí nghiệp bên ngoài. Nhưng đến giờ này, chỉ có một vài doanh nghiệp tự xây nhà giữ trẻ cho con em của công nhân công ty, như Công ty Hà Giang, May 10, khóa Việt Tiệp… Mới đây nhất, Khu công nghiệp Hiệp Phước đã dành tầng trệt của tòa nhà lưu trú công nhân khoảng 800m2 để làm nhà giữ trẻ. Có thể nói đây là nhà trẻ đầu tiên dành cho con em công nhân do KCN đứng ra tổ chức.
Sở dĩ lâu nay không có nhà trẻ cho con em công nhân, vì trước kia khi quy hoạch KCN - KCX chỉ là nơi sản xuất, không có người ở. Mọi cơ sở hạ tầng phục vụ xã hội, dân sinh đều phải ở ngoài hàng rào. Nhưng oái oăm thay, đã là "ngoài hàng rào" thì không thuộc trách nhiệm của ai cả. Vậy nên cuối cùng là ở các KCN, bên trong lẫn bên ngoài, không hề có các dự án hạ tầng xã hội phục vụ công nhân.
Một lần đi thăm một xí nghiệp may, ông Nguyễn Tấn Định thấy một công nhân nữ đứng khóc trước Trưởng phòng Quản lý Lao động và nhân sự của xí nghiệp. Cô sinh con được 4 tháng, hết thời gian nghỉ sinh phải đi làm lại nhưng tất cả các nhà trẻ đều không nhận giữ trẻ dưới 18 tháng. Người mẹ trẻ lên công ty xin tiếp tục nghỉ không hưởng lương để ở nhà giữ con, nhưng không được. Ông Phó Trưởng ban Hepza nhói lòng. Từ đó, ông và những người trong Ban Quản lý đã đặt vấn đề đi tìm giải pháp xây nhà trẻ cho em bé. Và mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đồng ý với một số giải pháp của Hepza. Theo đó, những KCN mới phải điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất xây nhà trẻ, các công ty xây dựng hạ tầng sẽ tìm quỹ đất, có thể bên ngoài, ven các KCN - KCX. Còn các KCN cũ, không có quỹ đất, có thể tận dụng một phần đất công viên cây xanh, xây nhà trẻ trên cơ sở vẫn bảo đảm mật độ cây xanh. Ngân sách do thành phố bỏ ra một phần, phần còn lại vận động doanh nghiệp. Chuyên môn do ngành giáo dục đảm trách. Những ngày qua, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Hepza đã đi đến các KCN, KCX để làm việc và đến các doanh nghiệp để đặt vấn đề vận động tham gia. Ông Hòa cho biết, bước đầu đều nhận được sự ủng hộ của những nơi ông đến làm việc. Mới đây, Công ty Licogi 16 đã trao cho Liên đoàn Lao động thành phố 2 tỷ đồng để xây dựng nhà trẻ, cho thấy sự đồng lòng của doanh nghiệp.
Sở dĩ Hepza phải đi vận động, vì đến thời điểm hiện tại, công việc này cũng không xác định được trách nhiệm thuộc về ai. Công luận đã nhiều lần lên tiếng về nỗi bức xúc thiếu nhà trẻ, nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan đoàn thể lên tiếng vận động, mà lẽ ra chương trình vận động phải thuộc Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, kể cả Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là Liên đoàn Lao động, đơn vị đại diện bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Về phía doanh nghiệp, theo Tiến sĩ nhân học Nguyễn Đức Lộc, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, thì doanh nghiệp tham gia không chỉ với tư cách hưởng ứng, mà còn phải thấy đó là trách nhiệm. Nhà nước cần phải quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với con của công nhân tới đâu và đưa ra quy chế để doanh nghiệp tham gia vào chương trình xây dựng nhà trẻ.
Người ta vẫn thường nói "Trời sinh voi, trời sinh cỏ", lẽ tự nhiên là khắc có sinh, tự khắc có dưỡng, nhưng đó là chuyện của thời "ăn lông, ở lỗ". Còn ở thế kỷ XXI này, nếu không được chủ doanh nghiệp, chính quyền địa phương quan tâm, chắc chắn các cặp vợ chồng trẻ, nhất là những cặp làm việc tại các KCN sẽ còn khổ dài dài, bởi sinh con ra rồi mà không có nhà giữ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.