Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi buồn lấp lánh

Hoài Phương| 04/06/2020 17:00

(HNMCT) - Đi tìm nhân dạng người viết qua thơ hẳn là một điều rất khó, nhưng diện mạo tâm hồn người viết thì luôn hiển hiện đâu đó trong chính những vần thơ của họ.

Tôi đọc Tạ Văn Hải và đồng điệu với tâm hồn ông qua thi tập Cuối chiều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, một tập thơ trữ tình sâu lắng. Trữ tình bởi cái tình của người viết được gửi gắm, pha trộn, đan cài một cách uyển chuyển, sinh động trong ngôn từ. Sâu lắng bởi đó là những nỗi niềm khôn nguôi mà người viết nặng mang.

Đến với thơ ca bằng nỗi niềm riêng, Tạ Văn Hải gieo vào lòng người đọc cảm xúc chân thực. Từ tình mẫu tử thiêng liêng đến tình yêu đôi lứa, hay tình cảm dành cho cố hương đều mênh mang, day dứt một nỗi buồn. Những nỗi niềm ấy được tác giả gửi gắm vào mỗi trang thơ. Tôi gọi đó là nỗi buồn lấp lánh.

Viết về quê mẹ, thơ Tạ Văn Hải vừa có được cái bình dị như thôn quê vốn dĩ bao đời lại vừa có sự tinh tế của sự cách xa luyến nhớ bao ngày: “Đống rơm mốc tỏa hương mùi nồng dại/ Ngai ngái lòng, quê mẹ đẵm màu yêu”. Bóc tách câu thơ này qua các tầng vỉa ý nghĩa ta gặp ở đó một tâm hồn run rẩy trước quê hương và tình mẹ. Mùi hương nồng dại tỏa ra từ đống rơm mốc, đó là một cách gọi tên mùi hương của ký ức rất ấn tượng. Có thể chúng ta đều cảm nhận được rất rõ điều đó nhưng không phải ai cũng có thể gọi thành tên. Ngai ngái lòng, đó vừa là cảm giác nôn nao, xao xuyến, chộn rộn lại vừa gợi cảm giác xa xăm. Những vần thơ hay luôn chứa đựng nhiều tầng nghĩa và gợi dẫn người đọc đến những liên tưởng sâu xa.

Sống giữa con phố náo nhiệt của Hà Nội nhưng Tạ Văn Hải vẫn có những khoảng riêng để đằm mình trong không gian làng quê một cách trọn vẹn. Có lẽ cái hiện tại phố phường kia chính là lăng kính để ông nhìn về quá vãng quê nhà một cách thấu suốt và trong trẻo hơn. “Nơi chốn ta về gốc rạ bùn thơm/ Nơi gốc cũ vườn xưa trăng lẻ bóng/ Ngõ vắng đi về tiếng mẹ gọi ta”.

Đó là những vần thơ làm tôi cay sống mũi mỗi khi đọc lại. Câu thơ như một sự trở về thực sự, đó không chỉ là cuộc trở về của hành động mà là trở về trong tâm tưởng. Nhà thơ đã trở về với cội nguồn, gốc gác. Tiếng mẹ gọi dường như đã theo ông suốt cả cuộc đời chứ đâu chỉ khi ông trở về quê hương. Thế nên tiếng mẹ gọi nơi ngõ vắng ấy không chỉ là ký ức dội về, mà còn là tiếng gọi của miền tâm linh siêu thực. Thơ Tạ Văn Hải cuốn hút bởi ông luôn đi giữa lằn ranh của cái thực và cái mơ hồ như thế.

Trong Cuối chiều, ta cũng gặp một Tạ Văn Hải đầy lãng tử, say mê: “Buổi chiều về nắng hoa vàng rực rỡ/ Không gian nào chứa đủ được mùa yêu”, “Mắt em nhìn/ Những vì sao trên gáy anh khờ dại”, đó là cách ông viết về cái nhìn của tình yêu đầu đời. Không chỉ là ánh mắt trao nhau, ta thấy được trong đó những vụng dại của lần đầu rung động; ta thấy được vẻ đẹp của cảm xúc lứa đôi. Câu thơ cũng mang lại liên tưởng rằng, cái buổi đầu khờ dại kia đang ẩn chứa và dự báo một tình yêu si mê, mãnh liệt đến tận cùng.

“Nơi em đến đi cùng mùa ân ái/ Niềm vui muộn hình thành sau đau đớn/ Gửi về em một kiếp mặn mòi yêu”. Không gian yêu trong thơ ông gợi lên những xa xăm, diệu vợi, mất mát, muộn mằn nhưng cũng nhờ những cảm giác ấy mà ta thấy được qua độ lùi của thời gian người ta sẽ nhận ra điều gì còn lại, điều gì theo ta mãi.

Sinh năm 1942 tại Hưng Yên, Tạ Văn Hải từng làm việc tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Nhiều năm qua ông sống và viết tại Hà Nội. Những câu thơ giàu nội cảm của ông đã làm nên nỗi buồn lấp lánh trong tập thơ Cuối chiều: “Căn nhà nhỏ liêu xiêu vòm mái/ Bóng mẹ về che chắn đời con”. Sự sâu nặng của tình cảm chính là nguồn cơn, là nguồn cảm hứng cho những vần thơ đầy xúc cảm ngân lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn lấp lánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.