(HNM) - Hơn 10 năm qua, sau sự kiện 11-9, Mỹ và liên quân phát động cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Nam Á nhưng hòa bình và ổn định vẫn chỉ là một giấc mơ của người dân trong khu vực.
Pakistan là ví dụ. Trong những ngày cuối tháng 8 này, nơi đây đã phải hứng chịu nhiều vụ đánh bom liều chết gây thương vong lớn. Ngày 28-8, các tay súng không rõ danh tính đã tấn công một đoàn tàu chở khách ở tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan, làm ít nhất 5 người thiệt mạng và 17 người khác bị thương. Trước đó, ngày 27-8, tại một thị trấn miền núi vùng Tây Bắc, giáp Afghanistan, khoảng 400 tay súng đã đồng loạt tấn công 3 trạm kiểm soát dọc biên giới hai nước làm 15 nhân viên an ninh Pakistan thiệt mạng. Lực lượng an ninh Pakistan đã buộc phải nổ súng, đẩy những kẻ xâm nhập về Afghanistan.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố tại tỉnh Balochistan, Tây nam Pakistan. |
Cũng ở khu vực này, tối 25-8, tại khách sạn ở thành phố Nowshera đã xảy ra vụ đánh bom khiến gần 30 người thiệt mạng và bị thương. Trước đó, ngày 19-8, ở một nhà thờ Hồi giáo tại Ghondi, thuộc huyện Jamrud trong khu vực bộ lạc Khyber, giáp giới Afghanistan cũng đã xảy ra vụ nổ lớn làm 50 người thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương... Trong 4 năm qua, hơn 4.550 người Pakistan đã thiệt mạng do các vụ tấn công liều chết và đánh bom ở nước này. Trong đó có nhiều vụ do phiến quân Taliban và các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al Qaeda thực hiện.
Các vụ tấn công đã làm dấy lên câu hỏi về cuộc chiến chống khủng bố hơn 10 năm qua mà Mỹ và đồng minh thực hiện trong khu vực. Với Lầu Năm Góc, vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al Qaeda khét tiếng hồi tháng 5 vừa qua hay như việc hạ sát Atiyah Abd al-Rahman, nhân vật số 2 của tổ chức này (ngày 27-8), là tín hiệu về một hồi kết đang đến gần của cuộc chiến chống khủng bố. Một thành quả như vậy đã cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, sự thất bại của Al Qaeda đã rất cận kề. Tuy nhiên, tất cả xem ra còn quá sớm để có thể ăn mừng.
Không chỉ tại Pakistan, nước láng giềng Afghanistan - nơi Mỹ và liên quân chọn là điểm khởi đầu cho chiến dịch chống khủng bố - hiện vẫn được cho là mảnh đất của các phần tử cực đoan. Tất cả các vụ tấn công khủng bố trên đất Pakistan được các cơ quan tình báo sở tại xác định đều liên quan tới các nhóm khủng bố từ nước láng giềng Afghanistan. Trước những hành động ngày càng táo tợn của chủ nghĩa khủng bố, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã phải bày tỏ lo lắng về hoạt động của phiến quân ở khu vực biên giới hai nước đặc biệt là vùng Dir, Bajaur và Mohman với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai để tìm phương cách giải quyết. Trên thực tế, các cuộc tấn công xuyên biên giới với các tay súng Taliban làm nòng cốt nhằm vào các lực lượng công quyền và người dân Pakistan đã và đang gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Trong khi đó, lộ trình rút binh sĩ Mỹ khỏi chiến trường khốc liệt Afghanistan đã được vạch ra và gánh nặng nợ công sẽ buộc "chú Sam" phải cắt giảm chi phí cho chiến trường này. Đây là một bóng đen thực sự với khả năng bảo vệ các lợi ích vì an ninh của Mỹ mà Afghanistan là một trọng điểm. Trong buổi nói chuyện tại Đại học Quốc phòng Mỹ, hồi trung tuần tháng 8 này, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã lên tiếng về cắt giảm ngân sách có thể buộc Mỹ phải đột ngột giảm bớt sự hiện diện an ninh tại những khu vực trọng điểm.
Đây được xem là một hành động xoa dịu Islamabad của Washington khi cắt giảm khoản viện trợ 800 triệu USD cho quốc gia này trong cuộc chiến chống khủng bố. Thế nhưng, đây lại chính là điểm gây bất đồng, khoét sâu thêm mâu thuẫn trong quan hệ đồng minh giữa hai nước; nhất là sau vụ đặc nhiệm Hải quân Mỹ qua mặt Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Mâu thuẫn được cho là đã lên đến đỉnh điểm khi Pakistan, ngày 24-8, yêu cầu 250 quan chức Mỹ rời khỏi nước này trong vòng 30-40 ngày. Điều này không thể không gây khó khăn cho những bước đi tiếp theo tại Nam Á của Mỹ và đồng minh. Bước lùi trong quan hệ này đang làm tăng thêm lo ngại của người dân về chủ nghĩa khủng bố vốn đã ám ảnh trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.