Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi ám ảnh chưa nguôi

Thùy Dương| 11/09/2011 08:13

(HNM) - Cách đây đúng 10 năm, ngày 11-9-2001, đã đi vào lịch sử nước Mỹ như một ngày đen tối nhất khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố khiến gần 3.000 người bị thiệt mạng. Vụ khủng bố kinh hoàng cùng những hệ lụy mà nó gây ra đến nay vẫn ám ảnh không chỉ người dân Mỹ.


Một thập niên đã trôi qua nhưng người dân Mỹ vẫn thảng thốt trước thảm họa 11-9.

Một thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ khủng bố gây chấn động thế giới, nước Mỹ đã thay đổi nhiều, nhưng có những thứ sẽ không bao giờ trở lại. Tại Khu vực Số Không (Ground Zero) - nơi Tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) từng sụp đổ, quá trình tái thiết đang diễn ra. Một hình ảnh mới biểu tượng cho nước Mỹ đang thay thế cho sự hoang tàn, đổ nát sau vụ khủng bố.

10 năm qua, thành công lớn nhất của Mỹ là không để xảy ra bất kỳ vụ khủng bố nào. Nước Mỹ đã phá hàng loạt âm mưu khủng bố như vụ mùa hè năm 2002, một nhóm khủng bố định cướp máy bay đâm vào tòa tháp US Bank Tower ở thành phố Los Angeles; vụ đưa chất nổ lỏng lên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương trước đêm Noel 2006 hoặc âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010... Hơn thế, sau ngót một thập kỷ theo đuổi, chính quyền Washington đã thực hiện cuộc phục thù và rửa hận cho ngày 11-9 khi tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden trong chiến dịch "Ngọn giáo Hải Vương" đêm 2-5-2011. Cái chết của kẻ thù số 1 nước Mỹ đã mang lại cho Tổng thống Barack Obama không ít lời khen ngợi và người dân Mỹ có lý do để tin vào một cuộc chiến mà nước Mỹ đã phải trả giá không thấp chút nào. Tuy nhiên, trên phương diện nào đó nó đã đẩy nước Mỹ lún sâu vào những khó khăn cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế. Nói cách khác, ngọn cờ chống chủ nghĩa khủng bố để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ mà cựu Tổng thống George Bush dựng lên, buộc đương kim Tổng thống B.Obama không thể làm khác đã khiến chính sách đối nội và đối ngoại Mỹ phải đổi hướng. Hai cuộc chiến hao người tốn của tại Afghanistan và Iraq đã trở thành tác nhân gây khủng hoảng kép cho nước Mỹ.

Chi phí quá cao cho cuộc chiến chống khủng bố, hơn 1.000 tỷ USD tại chiến trường Iraq và Afghanistan thời gian qua (trong tổng số hơn 2.000 tỷ trên toàn thế giới) khiến nguồn lực quốc gia của Mỹ tụt dốc. Nền kinh tế đứng đầu thế giới vì thế kém xa so với 10 năm trước. Do đó, ưu thế của Mỹ trên trường quốc tế cũng suy giảm đáng kể. Cùng lúc mở hai cuộc chiến ở Trung Đông và Trung Á, chính quyền Bush đã có một thử nghiệm thành công ban đầu về sức mạnh quân sự; nhưng cũng đã gây ra cuộc nội chiến ngay trong lòng đất nước với hành động bị coi là vi hiến như che giấu thông tin sự thật về Iraq hay nhà tù ô nhục Guantanamo... Ngoài hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, Mỹ còn tăng quân, vung tiền để thúc đẩy các cuộc chiến chống Al-Qaeda và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác ở nhiều quốc gia mà đạo Hồi có ưu thế như: Algeria, Sudan, Pakistan, Yemen, Indonesia và Philippines… Điều này dường như đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo chưa được cải thiện, bất chấp tuyên bố đầy thiện chí của Tổng thống B.Obama ở Ai Cập ngay sau khi nhậm chức. Trớ trêu hơn, tình trạng bất ổn ở Afghanistan và Iraq đã biến hai quốc gia này thành địa chỉ hàng đầu để Al-Qaeda tuyển quân. Dù Mỹ rút quân khỏi Iraq, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục mất ổn định do nội bộ chính quyền không đoàn kết, chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa cho cuộc sống của người dân. Trong khi đó, Afghanistan sau hơn 10 năm khói lửa mà nền hòa bình vẫn còn quá xa vời. Chính quyền Taliban đã bị lật đổ, nhưng tàn quân đã mạnh lên và đang thách thức quân đội chiếm đóng...

Cả nước Mỹ đang trong tuần lễ kỷ niệm ngày 11-9 đều thấm thía rằng nỗi ám ảnh khủng bố vẫn chưa nguôi, vấn nạn khủng bố vẫn hiện hữu và nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là chấn hưng kinh tế, nỗ lực đối phó với những thách thức. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc nước Mỹ nói riêng, cả thế giới nói chung phải chung tay hành động và điều chỉnh chính sách để đối phó hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố một cách căn bản linh hoạt hơn. Đó là xóa bỏ đói nghèo, bất công và có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Chỉ có như vậy mới có thể triệt tiêu tận gốc chủ nghĩa khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi ám ảnh chưa nguôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.