Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ xấu: Không phải chuyện riêng của ngân hàng

Đan Nhiễm| 19/09/2014 05:32

(HNM) - Theo báo cáo mới nhất của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối tháng 7-2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, thấp hơn mức 4,17% vào tháng 6-2014 và cao hơn hẳn mức 3,61% của cuối năm 2013. Điều đó đặt ra câu hỏi: Nợ xấu tăng do đâu và những tháng tới phải xử lý vấn đề này thế nào để ổn định kinh tế vĩ mô?

Nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại từ lâu đã không còn là câu chuyện nội bộ của ngành ngân hàng. Bởi, một khi "mạch máu" nền kinh tế có những biểu hiện bất ổn thì ngay lập tức tác động đến đời sống kinh tế - xã hội. Nói vậy để thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng qua vẫn còn khó khăn, nên khi đến hạn trả nợ hoặc đáo hạn nợ, nhiều đơn vị không có khả năng chi trả, khiến nợ xấu tăng là một thực tế không thể phủ nhận. Khi sản xuất phải cầm chừng, khoản nợ cũ chưa có điều kiện trả sòng phẳng, đương nhiên những khoản vay mới sẽ khó được giải ngân, cho dù lãi suất tín dụng đã xuống đến mức "có thể chịu đựng". Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18-3-2014 về phân loại nợ cũng như quy định trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu cũng được cho là lý do khiến nợ xấu chưa thể giảm. Dù văn bản này cho phép tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo những quy định đã có trước đó nhưng lại có những quy định theo hướng chặt chẽ hơn (điều rất cần thiết) để bảo đảm quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ không bị lạm dụng. Việc thực hiện quy định mới này chưa lâu nên hiệu ứng tích cực chưa thể đến cũng là chuyện không quá khó hiểu.

Như vậy, hai lý do chính để nợ xấu tăng chủ yếu là do hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, trong khi dư nợ tín dụng khó mở rộng. Và để giải quyết nợ xấu thì "chìa khóa" nằm chủ yếu ở hai vấn đề trên.

Đáng lưu ý là trong khi chính sách điều hành kinh tế vĩ mô được thừa nhận đã dần phát huy tác dụng thì những vấn đề liên quan đến hệ thống TCTD vẫn để lại ít nhiều lo lắng, trong đó nợ xấu là câu chuyện điển hình. Nói như một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rằng, xử lý nợ xấu trong điều kiện ngân sách hạn chế thì giải pháp chúng ta đưa ra là khá phù hợp, song cũng cần phải có thời gian, có lộ trình và sự phối hợp của các bộ, ngành. Nhưng nợ xấu sẽ khó giảm bền vững nếu như tăng trưởng tín dụng không khả quan bởi các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với thách thức lớn là huy động về không thể cho vay ra. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn cho biết "thà để tiền trong két còn hơn cho vay để gánh nợ khó đòi!". Trong khi đó, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - vốn được coi là biện pháp mạnh để xử lý nợ xấu - hiện cũng đang "gặp khó" liên quan đến xử lý tài sản cố định trên thị trường mua bán nợ như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dân sự... nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Như vậy hành trình xử lý nợ xấu thời gian tới sẽ còn không ít gian nan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ xấu: Không phải chuyện riêng của ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.