Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ xấu 202.000 tỷ đồng, có đáng ngại?

Thanh Hương| 12/07/2012 22:26

(HNMO)-Kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được công bố ngày 12/7 cho thấy, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, cơ quan quản lý này đã “chốt” con số nợ xấu ở mức trên, sau khi các TCTD báo cáo nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47%.


Vậy, con số nợ xấu chiếm 8,6% tổng dự nợ tín dụng có đáng lo ngại?

Quyền Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nợ xấu chủ yếu rơi vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, là những lĩnh vực thời gian qua chịu sự tác động từ sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Nghĩa, tỷ lệ nợ xấu là một chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động tín dụng. Điều quan trọng nhất là nợ xấu phải được phân loại, ghi nhận và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo mức độ rủi ro, đồng thời có biện pháp bảo đảm tiền vay (tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh,…); không nên tuyệt đối hoá tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp hoặc chỉ dựa vào mức dự phòng rủi ro (DPRR) đã trích lập trong quá trình đánh giá chất lượng tín dụng và xác định khả năng tổn thất tín dụng.

“Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng không được trích lập DPRR đầy đủ và thiếu tài sản bảo đảm thì có thể nguy hiểm hơn là tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhưng được trích lập DPRR và có tài sản bảo đảm đầy đủ.”-Ông Nghĩa nói.

Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng không được trích lập DPRR
đầy đủ và thiếu tài sản bảo đảm thì có thể nguy hiểm hơn
là tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhưng được trích lập DPRR và
có tài sản bảo đảm đầy đủ. Ảnh minh họa


Báo cáo của các TCTD cho thấy, có khoảng 84% nợ xấu có tài sản bảo đảm, khoảng 16% không có tài sản bảo đảm. Nếu xét theo giá trị tài sản bảo đảm trên giá trị nợ xấu thì ở khoảng 135%, một tỷ lệ được cho là tương đối cao. Chỉ xét riêng các khoản nợ xấu có bảo đảm bằng bất động sản thì tỷ lệ này 180%, khá cao.

Bên cạnh đó, đến cuối tháng 5/2012, số tiền các TCTD trích lập DPRR là khoảng 67.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 57,2% nợ xấu.

Trong số nợ xấu trên, nợ được phân vào nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn nhưng không phải là chắc chắn mất vốn. Ở nhóm này chiếm khoảng 40%, nhưng nợ nhóm 5 cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định của NHNN, cũng có tài sản bảo đảm tương đối cao.

Hơn nữa, con số nợ xấu trên vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu của một số nước trong khu vực tại thời điểm Chính phủ phải đứng ra xử lý nợ xấu như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng, nợ xấu không đáng ngại.

Để từng bước xử lý nợ xấu một cách bền vững, hạn chế nợ xấu gia tăng nhằm khơi thông dòng vốn trong hệ thống các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế, Quyền Chánh thanh tra Giám sát NHNN cho rằng, trước mắt TCTD cần chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ.

TCTD tăng cường trích lập, sử dụng DPRR để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn.

Việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển thông qua ban hành và triển khai có hiệu quả các quy định, chính sách về mua bán nợ cũng là cần thiết.

NHNN rà soát, hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng DPRR phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ xấu 202.000 tỷ đồng, có đáng ngại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.