(HNMO) - “Cuộc chiến tỷ đô” vừa qua giữa 2 gã khổng lồ Apple và Samsung tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục một mặt cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone), mặt khác cũng chỉ ra tiềm năng của thị trường này và tương lai cuộc sống của chúng ta sẽ gắn chặt với sự phát triển của smartphone và những công nghệ di động đi kèm nó.
Theo các số liệu được trích từ "Báo cáo về người sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á" của Nielsen năm 2011 cho thấy chỉ có 2 trong số 5 người dùng Internet ở Việt Nam (tương đương tỷ lệ 41%) truy cập Internet bằng điện thoại di động và tỷ lệ này là thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho chúng ta thấy thị trường mobile Internet trên thế giới đang rất phát triển và ở Việt Nam còn vô cùng tiềm năng để khai thác.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010 trở về trước, dịch vụ mobile banking còn khá mới mẻ ở Việt Nam, số lượng ngân hàng triển khai chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và tính năng dịch vụ còn rất đơn giản, chủ yếu là xem thông tin tài khoản và chuyển tiền trong nội bộ ngân hàng. Các ngân hàng này đa phần hợp tác với các đối tác trong nước, cung cấp giải pháp ứng dụng mobile banking (mobile application) tuy nhiên chỉ áp dụng một cách hạn chế cho một số dòng smartphone.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, các ngân hàng ngày càng nhận thức rõ lợi ích từ việc cung cấp một kênh giao dịch ngân hàng tiện lợi, linh hoạt, bỏ gọn trong túi sẽ đem lại cơ hội tốt trong việc làm hài lòng và giữ chân các khách hàng hiện tại cũng như thu hút thêm được nhiều khách hàng mới, các khách hàng trẻ trung, năng động, yêu thích dịch vụ công nghệ cao. Chính vì thế, từ năm 2011 trở lại đây, rất nhiều ngân hàng đã triển khai thử nghiệm dịch vụ mobile banking, đồng thời những ngân hàng đã triển khai trước đó cũng có sự nâng cấp và điều chỉnh tương ứng. Các dịch vụ mobile banking của các ngân hàng đã trở nên đa dạng hơn, nhiều tính năng, tiện ích gia tăng hơn như thanh toán hoá đơn, tra cứu thông tin lãi suất, tỷ giá, chương trình khuyến mãi…
Ảnh minh họa |
Tại Hội thảo Asean Banker Forum 2012 vừa qua tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, kênh thanh toán di động đã trở thành chủ đề được rất nhiều các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán di động trên thế giới và Việt Nam quan tâm, thảo luận. Nhiều bài trình bày của các diễn giả từ nhiều đơn vị khác nhau trong và ngoài nước đã nêu bật được triển vọng tại thị trường Việt Nam.
Về công nghệ, các ngân hàng cũng sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để triển khai dịch vụ mobile banking như Simtoolkit (ứng dụng dịch vụ ngân hàng di động được tích hợp trên SIM điện thoại di động, Mobile Application (ứng dụng dịch vụ ngân hàng di động được cài đặt trên điện thoại di động) hay Mobile Web (dịch vụ ngân hàng di động được truy cập qua trình duyệt Internet trên điện thoại di động). Mỗi giải pháp công nghệ đều có ưu, nhược điểm nhất định và các ngân hàng sẽ lựa chọn một hoặc đồng thời nhiều giải pháp tùy theo mục đích, chiến lược riêng.
Tuy nhiên, theo khảo sát các ngân hàng đã triển khai dịch vụ mobile banking trên thị trường Việt Nam hiện nay phần lớn các ngân hàng triển khai theo hướng Mobile Application, trong đó có các ngân hàng lớn như VCB, ACB, Sacombank, Eximbank, Đông Á, MSB ….
Điều này cho thấy xu hướng phát triển dịch vụ mobile banking theo hướng công nghệ mobile application vẫn là một trong những lựa chọn phổ biến của các ngân hàng Việt Nam và phù hợp với xu hướng thế giới bởi những ưu thế vượt trội của giải pháp này so với các giải pháp còn lại về tính năng đa dạng linh hoạt, thân thiện, độ an toàn, bảo mật cũng như nhận diện thương hiệu rất tốt. Mặt khác, việc hàng loạt ngân hàng quan tâm triển khai dịch vụ theo công nghệ mobile application không chỉ chứng tỏ sự ưa thích sử dụng dịch vụ ngân hàng di động mà còn chứng tỏ sự hứng thú của người dùng Việt Nam với dịch vụ trên nền tảng ứng dụng này.
Theo thông tin mới nhất, trong tháng 12/2012, Vietcombank đã chính thức triển khai ra thị trường dịch vụ VCB Mobile banking mở ra cơ hội cho hàng triệu khách hàng VCB tiếp cận một dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tiếp theo đó sẽ là ACB chuẩn bị cho ra mắt dịch vụ Mobile banking cũng với công nghệ mobile application ưu việt. Như vậy, các khách hàng Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc sử dụng các tiện ích của dịch vụ ngân hàng di động, một dịch vụ hết sức phù hợp với cuộc sống bận rộn của xã hội ngày nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.