Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nô nức tới dự Lễ hội thơ ca trong ngày Rằm Nguyên tiêu

Bài, ảnh: Tuyết Minh| 28/02/2010 17:03

(HNMO)- Sáng nay (28/2), đúng này Rằm tháng giêng, Ngày thơ Việt Nam 2010 đã tưng bừng khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ông trời dường như cũng chiều lòng nàng thơ với tiết trời ấm áp, mát mẻ và không nắng để người yêu thơ được hòa lòng mình vào với thơ ca.

(HNMO)- Sáng nay (28/2), đúng này Rằm tháng giêng, Ngày thơ Việt Nam 2010 đã tưng bừng khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ông trời dường như cũng chiều lòng nàng thơ với tiết trời ấm áp, mát mẻ và không nắng để người yêu thơ được hòa lòng mình vào với thơ ca.


Lễ hội thơ đã đông hơn, vui hơn

Hàng nghìn người độc giả yêu thơ từ các cụ già, thanh niên, sinh viên, học sinh… đến từ khắp nơi nô nức đổ dồn về Văn Miếu – Quốc Tử Giám dự Ngày thơ Việt Nam 2010, đã làm cho khu Văn Miếu trở nên chật chội bởi người với người “chen vai, thích cánh” để được thưởng thức thơ.

So với những năm trước, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức công phu và chu đáo hơn, đúng như lời hứa của nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam “sẽ là một đại lễ hội thơ ca”. Ngày thơ Ngày thơ Việt Nam lần 8 được trình diễn với nhiều phong cách mới lạ nên công chúng không chỉ được đọc thơ, nghe thơ mà còn ngắm thơ. Khán giả bị cuốn hút ngay từ khi mới bước vào khu vực trưng bày Vườn thơ đất nước với những cây thơ thể hiện ca dao của 53 tỉnh thành, hay thơ được khắc, in chữ nổi trên gốm sứ Bát Tràng, thơ được sắp đặt trên xe máy, trình diễn thơ dưới nhiều hình thức ngâm vịnh, đọc, hát…


Sau khi ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội làm lễ thắp sáng Đài lửa cho Ngày thơ Việt Nam 2010, những màn nghệ thuật cổ truyền ấn tượng Múa trống đồng của đoàn nghệ thuật Phú Thọ, và Lễ rước Chiếu dời đô của đoàn Nhà hát Tuồng Trung ương đã mở màn cho ngày khai hội.

Lễ khai mạc tưng bừng và rộn rã, sân thơ chính thu hút khán giả với phần ngâm thơ cổ của các nghệ sỹ Trần Thị Tuyết, Hà Vy, phần đọc thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Trung Lai, Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, trình diễn thơ dịch nhà thơ Jennifer Fossenbell (Mỹ) và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (Việt Nam), hay các tiết mục ca nhạc với phần thơ phổ nhạc: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Chiều phủ Tây Hồ, Khúc hát sông quê…



Sân Thái Miếu trở nên quá chật chội đối với khách thơ


Thơ trẻ mang một bầu không khí mới

Sân thơ trẻ lại hấp dẫn khán giả bởi sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn sắp đặt, đọc thơ, ngâm thơ theo dòng chảy chuyển động của cảm giác. Đặc biệt, năm nay sân thơ trẻ đã xuất hiện nhiều gương mặt mớinhư: Bùi Hoàng Tám, Đồng Chuông Tử, Nguyễn Phan Quế Mai, Thụy Anh, Phạm Việt Đức, Châu Thu Hà, Vũ Thị Huyền Trang, Phạm Vân Anh, Thái Bảo Anh, Hoàng Thuấn, Khúc Hồng Thiện, Trần Nguyễn Anh, Lê Anh Hoài, Huỳnh Lê Nhật Tấn…

Nhà thơ Nguyễn Quang Quý,Trưởng ban tổ chức sân thơ trẻ cho biết: Năm nay, thơ trẻ ít tên tuổi các nhà thơ quen thuộc mà chúng tôi muốn có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới, để làm sân thơ đa dạng hơn. Có thể họ chưa phải là những người đặc sắc nhất, nhưng họ có cái “tôi” riêng, giọng điệu riêng. Chủ đề của sân thơ này là “Chuyển động của cảm giác” với những góc thơ: góc thơ truyền thống, góc thơ trình diễn và góc thơ sắp đặt. Chúng tôi tạo cảm giác cho công chúng giống như được tham gia một lễ hội đường phố, khiến cho sân thơ có nhiều cái để xem hơn. Công chúng có thể vừa đọc thơ, mà vẫn ngắm thơ được.

Ấn tượng nhất phải kể đến góc sắp đặt thơ mang tên “Nhu cầu” của nhà thơ Lê Anh Hoài với hình ảnh một con chim thơ được làm bằng chiếc xe máy sơn trắng, ràng buộc bởi những sợi dây xích trong chiếc lồng sắt cỡ lớn. Giải thích về ý tưởng sắp đặt thơ này, nhà thơ Lê Anh Hoài cho biết, bài thơ “Nhu cầu” của anh thể hiện những mong muốn, và nhu cầu luôn đối lập nhau, nhu cầu luôn trói buộc hồn thơ. Vì vậy, tôi thể hiện dưới hình thức một con chim thơ, bị trói buộc trong cái lồng “nhu cầu”. Con chim được làm bằng chiếc xe máy, là vật dụng rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống đương đại của người Việt Nam hiện nay, trên chiếc xe in những bài thơ, câu chữ bị che khuất bởi những hình ảnh thể hiện nhu cầu cuộc sống…


Tác phẩm sắp đặt của Lê Anh Hoài

Theo nhà thơ Dương Thuấn, lễ hội thơ năm nay đông hơn, vui hơn. Hội thơ không còn là lễ hội riêng của người Hà Nội, không chỉ riêng của người cầm bút mà còn của rất nhiều người yêu thơ đến từ khắp các tỉnh, thành. Nhận xét về cách thể hiện sáng tạo của sân thơ trẻ, nhà thơ Dương Thuần cho rằng, ông không nghĩ những cách thể hiện của thơ trẻ sẽ làm phá vỡ những nét đẹp của thơ ca mà nó mang tới một không khí mới cho thơ ca. Một dân tộc phát triển thì không chỉ xã hội phát triển, kinh tế phát triển mà văn hóa cũng phải phát triển. Sự góp mặt của thơ trẻ chính là thể hiện tinh thần dân tộc phát triển. Tuổi trẻ có quyền ước mơ và tham vọng, nên họ có thể làm những điều mạnh mẽ. Nhà thơ có quyền ước mơ, sáng tạo bởi thơ chính là ngôn ngữ kết tinh. Tôi tin rằng, trong đời sống hiện đại ngày nay, thơ tuy không phải là nhu cầu hàng đầu của công chúng, nhưng nó vẫn giữ một vị trí quan trong trong tim họ, thơ giúp nâng đỡ tinh thần để người ta tự tin hơn trong cuộc sống.

Sân thơ thiếu nhi cũng là một hoạt động hấp dẫn khán giả trong buổi chiều của lễ hội. Các tác phẩm thơ sẽ được triển lãm đến hết ngày 2/3/2010. Với nhiều hoạt động phong phú, cách tổ chức quy mô hơn, và nghệ thuật trưng bày đẹp mắt, Ngày thơ Việt Nam 2010 đã xứng tầm một sự kiện văn hóa đầu tiên mở đầu cho chuỗi các sự kiện được tổ chức trong năm 2010, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam 2010:





Nhà thơ Lê Anh Hoài và tác phẩm sắp đặt thơ "Nhu cầu" của mình


Nhà thơ trẻ người dân tộc Kmer Đồng Chuông Tử


Trình diễn thơ



Một góc Vườn thơ đất nước


Triển lãm thơ in trên gốm sứ



Quầy bán sách giảm giá cho khách thơ
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nô nức tới dự Lễ hội thơ ca trong ngày Rằm Nguyên tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.