Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực xây dựng nền Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 15/12/2021 10:37

(HNMO) - Ngày 15-12, Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” đã khai mạc tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị trực tiếp tại đầu cầu nhà làm việc Bộ Ngoại giao có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ.

Dự hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến còn có các Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành; đại diện lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp và một số tập đoàn lớn.

Quang cảnh hội nghị.

Về phía Bộ Ngoại giao có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ, hơn 70 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2021-2024; các cán bộ chủ chốt của các đơn vị, đại diện câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao…. và các cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài dự hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, khi ngành Ngoại giao cùng đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, hội nghị được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra rất thành công ngày 14-12 đã khẳng định quyết tâm rất cao của toàn ngành Ngoại giao trong việc quán triệt và đưa các chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc sớm đi vào triển khai, thực hiện. 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.

Nhấn mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện là chủ trương của Đảng đề ra tại Đại hội XIII, phản ánh yêu cầu cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài với đối ngoại nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng trong phát triển mới của đất nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, muốn xây dựng được nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trước hết cần xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, bởi ngành Ngoại giao là lực lượng nòng cốt của nền ngoại giao Việt Nam với ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. 

Vì vậy, Bộ trưởng nêu rõ, hội nghị lần này sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, làm rõ nội hàm, xác định phương hướng, kế hoạch và biện pháp xây dựng và phát triển ngành ngoại giao toàn diện và hiện đại. Trong đó, tập trung vào biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vững mạnh về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng; có năng lực, trình độ cao, có phong cách, phương pháp, lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiện đại; kiện toàn bộ máy, phương thức, cơ chế vận hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhất là cơ chế phối hợp đồng bộ thông suốt, chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngành Ngoại giao với các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các chủ đề thảo luận trong hội nghị sẽ gồm các vấn đề quan trọng đối với phát triển, việc triển khai đối ngoại và công tác của ngành Ngoại giao trong thời gian tới. 

Bộ trưởng đề nghị, tập thể cán bộ, đảng viên ngành Ngoại giao quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao 31; phát huy cao độ tinh thần đổi mới, sáng tạo và trí tuệ tập thể, thảo luận sôi nổi, hiệu quả, bám sát chủ đề hội nghị để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, tạo bước chuyển biến mới trong công tác của ngành Ngoại giao, nhằm đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Kết thúc phiên khai mạc, hội nghị đã lắng nghe tham luận của một số bộ, ngành, trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, địa phương và các hiệp hội. 

Ngoại giao phải Việt Nam chú trọng ''tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển"

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt khi được diễn ra ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc - hội nghị đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với bài phát biểu chỉ đạo hết sức toàn diện, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 31.

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh thế giới còn có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của hội nghị lần này là “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, thể hiện sự quyết tâm, tính chiến đấu của toàn ngành Ngoại giao.

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14-12 đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại, khẳng định những nền tảng quan trọng, quan điểm cơ bản để phát triển ngành Ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc tối thượng, nhân ái, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đề cập 3 trụ cột ngoại giao thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng cho rằng, công tác đối ngoại cần xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp, tuân thủ tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm cho họ hiểu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đáp ứng xu thế của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về ngoại giao kinh tế, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cần chú trọng hơn vào cải thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, học tập thêm kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp; tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy liên kết xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống.

Về ngoại giao văn hóa, Thủ tướng cho rằng, ngành Ngoại giao cần triển khai những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, đặt ngoại giao văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, với sự đầu tư về nguồn lực cả về tài chính lẫn con người, đặc biệt là khi dư địa cho công tác ngoại giao văn hóa còn nhiều.

Các đại biểu lắng nghe những chia sẻ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Về xây dựng ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cán bộ ngoại giao cần nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế và sâu sắc về khoa học công nghệ; cần có tư duy, phương pháp luận để đi vào tìm hiểu chiều sâu về các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái, thủy chung và linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng quật cường và kiên quyết khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên để cán bộ ngoại giao có thể tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp đối ngoại của đất nước.

Đúc kết lại, Thủ tướng cho rằng, ngoại giao Việt Nam xây dựng quan hệ với các nước, các đối tác phải dựa trên nguyên tắc “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển”, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới tư duy với lợi ích quốc gia là tối thượng; cương quyết nhưng kiên định, mềm mại, linh hoạt, hiệu quả.

Thay mặt cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. 

* Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31 đã diễn ra lễ trao khen thưởng cho một số tập thể và cá nhân có thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Thủ tướng cũng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài năm 2020; Đại sứ Việt Nam tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc vì thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2012 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, đã có thành tích trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã có thành tích xuất sắc trong công tác phục vụ nhiệm kỳ lãnh đạo Chính phủ 2016-2021; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2012 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, đợt trao đầu tiên Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích ngoại giao vắc xin cho các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực xây dựng nền Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.