(HNM) - Thiếu sức khỏe, gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm,… là những rào cản đối với người khuyết tật trong quá trình hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực phi thường của bản thân cùng sự quan tâm, chăm lo của các cơ quan chức năng và cộng đồng, nhiều người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, miệt mài viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Trong cộng đồng gần 102.000 người khuyết tật trên địa bàn thành phố, trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade (ngõ 11, phố Lương Định Của, quận Đống Đa) được biết đến là một trong những người có nghị lực phi thường. Bà Thương không may mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, khiến cơ thể phát triển kém, không thể đi lại. Không thể đến trường học, bà Thương học chữ, học văn hóa từ những người xung quanh, từ các lớp học tình thương, rồi học nghề thủ công như làm lọ hoa, túi đựng điện thoại, đan khăn len…
“Nhìn thấy nhu cầu của thị trường, năm 2009, tôi tìm cách đưa các sản phẩm thủ công đến người tiêu dùng qua nhiều phương thức. Kiên trì thực hiện, đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Thương Thương Handmade xuất hiện rộng rãi trên thị trường, giúp cá nhân tôi và nhiều người khuyết tật có việc làm, thu nhập”, bà Nguyễn Thị Thu Thương cho hay.
Trường hợp khác từ người khuyết tật trở thành điểm tựa của người khuyết tật là bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai (số 389 An Dương Vương, quận Tây Hồ). Thấu hiểu khó khăn lớn nhất mà người khuyết tật gặp phải là cơ hội việc làm, bà Hiền tranh thủ cơ hội, tận dụng mọi nguồn lực để thành lập Trung tâm Vì ngày mai với nhiệm vụ chính là hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật. Dưới sự chèo lái của người đứng đầu tài năng, tâm huyết, sau 19 năm hoạt động (từ năm 2002 đến nay), đơn vị này đã đào tạo một số nghề thủ công truyền thống cho hơn 1.000 người khuyết tật. Hoàn thành các khóa đào tạo nghề tại Trung tâm Vì ngày mai, đa số người khuyết tật có việc làm phù hợp, vững tin vào tương lai.
Ngoài những tấm gương đã nêu, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều người khuyết tật vững vàng tinh thần, ý chí vươn lên. Từ kinh nghiệm thực tế, bà Lê Thị Mát, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đông Anh đánh giá, hiện đa số người khuyết tật có khả năng lao động trên địa bàn huyện Đông Anh tham gia lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, giảm gánh nặng cho xã hội...
Nhằm mở rộng cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, ngoài các chính sách đã triển khai, Sở đang phối hợp với các ngành, địa phương triển khai hiệu quả Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 8-12-2020 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Các hoạt động trợ giúp sẽ tập trung, ưu tiên để người khuyết tật phát huy năng lực, sở trường. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có ít nhất 70% số người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm mới và tỷ lệ này sẽ tăng lên ít nhất 80% trong giai đoạn 2026-2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.