(HNM) - Ngày 24-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã rời Tokyo thực hiện chuyến công du một tuần tới 4 quốc gia khu vực Trung Đông (Bahrain, Kuwait, Qatar) và Châu Phi (Djibouti).
Chặng dừng chân đầu tiên của ông S.Abe là Bahrain, quốc gia từng được biết đến là nền kinh tế phát triển năng động trong số các nền kinh tế Arab, xuất khẩu "vàng đen" đem lại khoảng 60% thu nhập của chính phủ và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bahrain. Không thua kém Bahrain, Kuwait có trữ lượng dầu chiếm khoảng 10% trữ lượng thế giới - tương đương 13,3 tỷ tấn. Dầu lửa trở thành nguồn thu nhập chiếm 99% giá trị xuất khẩu, bảo đảm 94% thu nhập ngân sách quốc gia của Kuwait. Cũng như Bahrain và Kuwait, dầu mỏ là "hòn đá tảng" của nền kinh tế Qatar khi đóng góp hơn 60% GDP, giúp Qatar trở thành một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Mở rộng đầu tư ra thị trường bên ngoài giúp nền kinh tế Nhật Bản phát triển hơn. |
Một loạt lợi thế trên là lý do khiến nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới S.Abe chọn Bahrain, Kuwait, Qatar là điểm đến trong chuyến công du Trung Đông lần này. Mặc dù các số liệu thống kê mới đây cho thấy, tăng trưởng GDP của đất nước Mặt trời mọc trong quý II vừa qua đạt 2,6%, tăng 0,6% so với quý trước và đánh dấu quý thứ ba tăng trưởng liên tiếp nhờ hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế 3 mũi tên "Abenomics". Thế nhưng, sức ép lên nội các của Thủ tướng S.Abe trong thực hiện những lời hứa cải cách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững vẫn không hề giảm. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài, kiếm tìm những thị trường mới, giàu tiềm năng như Trung Đông được nhà lãnh đạo xứ Phù tang tính đến như một bước đi cần thiết nhằm bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững trong nước.
Với thành phần khoảng 40 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tháp tùng, ưu tiên của Thủ tướng S.Abe trong chuyến thăm Trung Đông không nằm ngoài mục tiêu mở rộng đầu tư, hợp tác kinh tế - thương mại. Đặc biệt trong khuôn khổ chuyến thăm Qatar, Thủ tướng S.Abe sẽ dự hội thảo kinh doanh để tiếp xúc với các doanh nghiệp sở tại. Đây là một phần trong kế hoạch giúp các doanh nghiệp Nhật Bản bước vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Qatar chuẩn bị cho World Cup 2022, đặc biệt là dự án xe điện ngầm ở Doha.
Là một quốc gia khiêm tốn trên bản đồ kinh tế thế giới, nhưng việc Thủ tướng S.Abe chọn Djibouti làm điểm đến duy nhất trong chuyến công du Châu Phi lần này cho thấy, Nhật Bản đã chuyển hướng khi nhìn nhận Lục địa đen là đối tác kinh tế tiềm năng hơn là một khu vực chỉ nhận viện trợ. Với quyết tâm biến Lục địa đen còn nghèo thành vùng đất của tăng trưởng trong tương lai, tại Hội nghị Phát triển Châu Phi (TICAD) lần thứ năm diễn ra đầu tháng 6 vừa qua tại thành phố Yokohama, Thủ tướng S.Abe đã công bố gói viện trợ mới trị giá khoảng 3.200 tỷ yen (tương đương 32 tỷ USD) cho châu lục này.
Bất chấp việc Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) mới đây đã nâng mức cảnh báo rò rỉ nước nhiễm xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 lên mức nguy hiểm sau khi phát hiện một bể chứa nước nhiễm xạ bị rò rỉ, một trọng tâm ưu tiên của Thủ tướng S.Abe trong chuyến công du Trung Đông, Châu Phi là đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Đây là một phần trong kế hoạch xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Nhật Bản lên mức 35.000 tỷ yen (350 tỷ USD) mỗi năm vào năm 2020. Cuộc mở rộng đầu tư vào cả điện hạt nhân lẫn cơ sở hạ tầng ở Trung Đông và Châu Phi được cho là sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giải tỏa cơn khát năng lượng; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghệ hạt nhân.
Dù tin tức về các hợp đồng được đề cập trong chuyến thăm vẫn nằm trong diện "bảo mật" nhưng điều đó không có nghĩa chuyến công du 4 quốc gia Trung Đông và Châu Phi của Thủ tướng S.Abe không nhận được sự quan tâm của dư luận. Trái lại, cùng những thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư dự kiến được ký kết, thông điệp quan trọng hơn mà Thủ tướng S.Abe muốn gửi tới qua chuyến thăm là dù có chậm chân hơn so với Mỹ và Trung Quốc nhưng Nhật Bản đang đi những bước vững chắc trong nỗ lực khẳng định vị thế một cường quốc kinh tế tại những "vùng đất mới". Với phương châm không đầu tư tràn lan; chỉ tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng có thế mạnh, cuộc chinh phục của Nhật Bản tại Trung Đông và Châu Phi đang trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.