Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực ứng phó các tình huống

Tuấn Lương| 14/04/2011 07:13

Cố gắng giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ và thời gian úng ngập (HNM) - Mùa mưa bão năm 2011 đã cận kề, các đơn vị chức năng của TP đang chuẩn bị nhiều phương án nhằm ứng phó với sự thay đổi bất thường của thời tiết như khống chế mực nước hồ điều hòa, vận hành đúng quy trình trạm bơm, cửa xả, đập điều tiết, đập tràn để bảo đảm tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, 23 điểm còn lại trên địa bàn TP có nguy cơ xảy ra úng ngập cũng đang được khẩn trương cải tạo...


Đầu tư cải thiện năng lực thoát nước


Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thi công, nạo nét, khơi thông dòng chảy sông Kim Ngưu chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2011. Ảnh: Nhật Nam


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, năm 2011, hệ thống thoát nước tại một số khu vực đã được hoàn thiện do kết quả duy tu, duy trì, cải tạo và đầu tư xây dựng của năm 2010. Cụ thể là dự án nâng công suất cải tạo trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây; cải tạo các hồ Bảy Mẫu, Đống Đa, Hố Mẻ; cải tạo hệ thống thoát nước phố Hồng Mai, Phù Đổng Thiên Vương… Năm nay, hệ thống sông, kênh mương, cống thoát nước của TP với tổng chiều dài 46,45km đã được cải tạo trong dự án thoát nước giai đoạn I đang phát huy hiệu quả. Ngoài ra, trên địa bàn TP có 56 hồ điều hòa đóng vai trò quan trọng trong giải quyết úng ngập cục bộ. Một số hồ được cải tạo trong năm 2010 theo dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội và theo đề án cải tạo môi trường hồ nội thành đã hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ nâng khả năng thoát nước trong mùa mưa. Hệ thống trạm bơm thoát nước gồm trạm đầu mối Yên Sở, 18 trạm bơm cục bộ, các đập điều tiết được bảo dưỡng sửa chữa xong trong quý I, sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ theo công suất thiết kế.

Nỗ lực như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, hàng loạt công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, làm đường giao thông như cống hóa mương Hào Nam - Yên Lãng, cống hóa làm đường bên trên mương Thái Thịnh, dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở… vẫn đang trong quá trình thi công, đã gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Một số khu vực nội thành vẫn còn thiếu cống thoát nước như ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai… Dự báo, với những trận mưa 50mm, các khu vực nằm trong phạm vi phục vụ của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I hầu như không có điểm úng ngập. Nhưng với những trận mưa lớn hơn 100mm, có thể xuất hiện 23 điểm úng ngập như ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, phố Quán Thánh, Ngọc Khánh, Đội Cấn, ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, phố Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, ngã tư Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, đường Lĩnh Nam, đường Trương Định… Số điểm úng ngập dù đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm tiêu thoát nước của TP.

Chủ động các phương án tiêu thoát nước


Trạm bơm Yên Sở đóng vai trò quan trọng trong giải quyết úng ngập trên địa bàn thành phố.    Ảnh: Nguyệt Ánh


Từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Hà Nội đã đẩy mạnh duy tu, duy trì hệ thống thoát nước và thiết bị đi kèm hiện có, bảo đảm quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả. Đầu tư xây dựng mới các trục thoát nước chính; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước ở một số vị trí xung yếu. Triển khai công tác ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng cho mọi tình huống, giải quyết kịp thời úng ngập xảy ra khi có mưa lớn… Sở Xây dựng cũng đôn đốc Ban QLDA Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Ban QLDA Giao thông đô thị và các chủ đầu tư khác khẩn trương bàn giao công trình thoát nước đã hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, bên cạnh việc khống chế mực nước hệ thống hồ điều hòa, Công ty đã xây dựng các phương án nhằm chủ động đối phó với mưa lũ. Cụ thể, nếu có mưa lũ, công ty sẽ vận hành các trạm bơm theo đúng quy trình; mở tối đa đập Thanh Liệt khi có khả năng thoát nước bằng hình thức tự chảy và đóng đập khi mực nước sông Nhuệ cao hơn mực nước hệ thống (mức <3m). Các đập cao su (đập A, B, C) luôn mở để đưa nước vào hồ điều hòa. Vận hành tối đa các máy bơm thông thường và máy bơm khẩn cấp theo quy trình; thường xuyên kiểm tra, cập nhật 30 phút/lần mực nước tại các vị trí. Phương án vận hành đập Thanh Liệt nhằm xả lũ cho sông Nhuệ đã được Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng. Trong trường hợp mực nước tại thượng lưu đập Thanh Liệt ở cos 3,5±0,2m và mực nước tại hạ lưu đập sông Nhuệ đạt >4,5m sẽ mở đập Thanh Liệt để điều tiết mực nước sông Nhuệ vào sông Tô Lịch. Trường hợp sông Nhuệ có sự cố đặc biệt, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ sẽ báo cáo TP xin ý kiến giải quyết để vận hành đập Thanh Liệt cho phù hợp… Với việc chủ động các phương án, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước đặt mục tiêu bảo đảm thoát nước nhanh với các trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực nội thành thuộc phạm vi dự án thoát nước Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi:
Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, rất có thể sẽ có mưa lớn kéo dài. Các cấp, ngành không được chủ quan, luôn sẵn sàng với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sở Xây dựng cần đôn đốc các chủ đầu tư dự án thoát nước khẩn trương bàn giao công trình đã hoàn thành để đưa vào sử dụng. Ưu tiên triển khai ngay các công trình chống úng ngập cục bộ, chống lấn chiếm hồ, mương, sông, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm phát sinh, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ, ngừng thi công công trình xây dựng ảnh hưởng đến thoát nước…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ứng phó các tình huống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.