Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ

Dương Sơn| 04/11/2020 06:27

(HNM) - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang nỗ lực vào cuộc với quyết tâm cao nhất.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ảnh: Anh Tuấn

Chỉ tiêu cao, nhiệm vụ lớn

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đề ra. Cụ thể, ngành đã hoàn thành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, khoáng sản, đất; hoàn thành lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai. Cùng với đó là tham mưu các giải pháp hạn chế việc đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong; nâng cao năng lực dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường; phòng chống hiệu ứng nhà kính do biến đổi khí hậu; cải thiện môi trường nước tại 129 hồ...

Tuy nhiên, lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn những hạn chế, yếu kém phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm đất đai có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, còn để phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận. Việc xử lý ô nhiễm không khí, kiểm soát và xử lý nước thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu…

Từ thực tiễn nêu trên, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố xác định nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành Tài nguyên và Môi trường Thủ đô là "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu". Đặc biệt, Đại hội quyết nghị chỉ tiêu về bảo vệ môi trường cao hơn 5-10% so với khóa XVI, như: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, chất thải nguy hại, chất thải y tế đều phải đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải; 50-55% nước thải đô thị được xử lý...

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, cùng với việc đưa ra chỉ tiêu cao, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đưa công tác tài nguyên và môi trường là một trong những chương trình trọng tâm toàn khóa - Chương trình số 05 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”.

Quyết liệt tạo chuyển biến mới

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông thông tin: Sở đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng lập kế hoạch nội dung công việc, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt chú trọng công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm. Qua đó, phát huy nguồn lực tài nguyên đất, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.

Hiện tại, thành phố đang triển khai công tác phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, xử lý rác thải. Đồng thời thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí...

Về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và biến đổi khí hậu, thành phố chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thực hiện có hiệu quả Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa. Trong đó chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, sự cố hóa chất phù hợp với từng loại hình sản xuất. Thành phố đang triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, trồng cây xanh, nạo vét sông, hồ, giải quyết ngập úng... Đặc biệt, thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng chống thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tham vấn, xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Các địa phương trên địa bàn thành phố cũng đang tích cực vào cuộc để tạo chuyển biến căn bản ngay từ đầu nhiệm kỳ đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình Nguyễn Cương Quyết cho biết: Bên cạnh tiếp tục thực hiện yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội về xóa bếp than tổ ong, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các phường tổ chức thí điểm chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học; thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn và phòng chống rác thải nhựa, túi ni lông trên địa bàn...

Cũng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho hay: Quốc Oai sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý đất đai; xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới. Trước mắt huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị chức năng tổ chức đối thoại với các hộ dân, tìm hướng giải quyết dứt điểm những tồn tại trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) Hoàng Văn Tuấn cho biết, xã đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm các vi phạm đất đai, ngăn chặn phát sinh vi phạm mới.

Với sự vào cuộc quyết liệt, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các địa phương đang nỗ lực xây dựng kế hoạch, đề án và triển khai đồng bộ giải pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.