(HNM) - Đúng một năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau quá trình đàm phán, 11 quốc gia còn lại tham gia thỏa thuận thay thế là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí tổ chức lễ ký kết tại Chile vào đầu tháng 3 tới.
Các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đạt được thống nhất để ký kết văn kiện này. |
Cam kết trên đạt được trong cuộc họp kéo dài 2 ngày vừa được tổ chức tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) giữa Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước. Sự kiện này tiếp nối cuộc họp cấp bộ trưởng bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại TP Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Đại diện các nước đánh giá, đây là Hiệp định có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, đạt được những vấn đề cốt lõi và đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia, có tính đến trình độ phát triển của mỗi nước. Nội dung Hiệp định toàn diện, không chỉ bao trùm thương mại mà còn đề cập tới đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác nhau.
Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau khi có ít nhất 6 quốc gia phê chuẩn. Nhật Bản bày tỏ kỳ vọng quá trình phê chuẩn này sẽ hoàn thành vào năm 2019, giúp cắt giảm các rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ giữa 11 thị trường. Từ 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, thỏa thuận không có Mỹ nay chiếm khoảng 14% GDP và 15% thương mại thế giới với một thị trường khoảng 500 triệu người. Ước tính lợi ích ròng của CPTPP cho tất cả các thành viên từ việc tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 0,3% GDP kết hợp (tương đương 37,3 tỷ USD).
Qua quá trình đàm phán nhằm cân bằng nhu cầu của các quốc gia và đáp ứng tình hình thực tế khi không có sự tham gia của Mỹ, tổng cộng 22 điều khoản sẽ bị đình chỉ nhưng vẫn được ghi nhận trong văn bản CPTPP, đồng nghĩa với việc các điều khoản này sẽ không được thực hiện cho đến khi tất cả các nước thành viên đồng ý dỡ bỏ đình chỉ. Hầu hết các điều khoản này liên quan tới sở hữu trí tuệ, tự do hóa doanh nghiệp nhà nước của Malaysia và ngành Than của Brunei. Hai vấn đề khác là bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa ở Canada và quyền lao động ở Việt Nam sẽ được viết riêng biệt và trao đổi với các thành viên khác khi ký kết, không nằm trong tài liệu CPTPP cuối cùng. Giới quan sát cho rằng, việc chỉ có 22 điều khoản tạm hoãn trong số hơn 1.000 điều khoản dài 8.000 trang trong phiên bản TPP ban đầu khi có Mỹ tham gia cho thấy sự nỗ lực của tất cả các nước để đi đến đồng thuận.
Trong một tuyên bố vừa được đưa ra, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, tất cả các vấn đề còn lại đã được giải quyết và các cuộc đàm phán cho thấy cam kết chung của các quốc gia về tự do hóa thương mại và hội nhập khu vực. Thỏa thuận sẽ được để mở cho các quốc gia khác tham gia sau này. Trong khi đó, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Singapore hy vọng Mỹ sẽ trở lại trong tương lai.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định, CPTPP sẽ trở thành động lực để các nước vượt qua chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số khu vực trên toàn cầu. Đây cũng được coi là bước tiến có ý nghĩa đối với 11 thành viên còn lại sau sự ra đi của Mỹ, bởi duy trì thỏa thuận là cách tốt nhất để bảo vệ những lợi ích đầy triển vọng có được từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.