(HNM) - Dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội vẫn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện còn hơn 8.700 hộ nghèo, bằng 0,42% và gần 49.000 hộ cận nghèo, bằng 2,01% tổng số hộ dân trên địa bàn thành phố. Tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, hạn chế số hộ tái nghèo, ngoài các chính sách chung, năm 2020, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo dựa trên nhu cầu, nguyện vọng, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ.
Bà Trần Thị Nghĩa, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Đông (huyện Ba Vì) là người khuyết tật nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mới đây bà Nghĩa được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm. “Tôi vừa được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì. Tôi sẽ sử dụng số tiền này để mở cửa hàng tạp hóa, nuôi bò sinh sản nâng cao thu nhập cho gia đình. Hy vọng, đến cuối năm 2020, gia đình tôi sẽ thoát cảnh nghèo”, bà Nghĩa nói.
Ngoài trường hợp nêu trên, theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 9-1-2020 về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, thành phố bố trí 1.250 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách và ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm cho hơn 25.000 người, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Cùng với giải pháp cho vay vốn, các tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nghề, xây sửa nhà ở cho người nghèo… Các hoạt động trợ giúp tập trung cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Mới đây, gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng nhà ở với số tiền lên tới 100 triệu đồng. Không còn lo lắng về nhà ở, các thành viên trong gia đình tôi yên tâm lao động, sản xuất, phấn đấu thoát nghèo”, ông Nguyễn Văn Sáu, thôn Ái Nàng, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) cho hay.
Đối với những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng…, sẽ tiếp tục nhận được nguồn trợ cấp hằng tháng theo nội dung Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố quy định “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”. Mức trợ cấp bằng mức chuẩn nghèo của thành phố. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động huy động nguồn kinh phí để có thể hỗ trợ thêm cho người nghèo.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu
Thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, dự báo sẽ có một lực lượng không nhỏ người lao động ở Hà Nội cũng như cả nước có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập. “Điều này khiến đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn; một số hộ gia đình đứng trước nguy cơ tái nghèo; nhiều hộ nghèo không đủ khả năng để tự thoát nghèo”, ông Đào Quang Vinh, chuyên gia Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.
Cùng với đó, theo phản ánh của các đơn vị, địa phương, việc huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ giảm nghèo cũng khó khăn hơn. Mặc dù vậy, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố vẫn quyết tâm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, không để người nghèo bị ở lại phía sau.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho hay, để có nguồn lực hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, các cơ quan chức năng huyện vừa chống dịch, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, tích cực ủng hộ người nghèo. Qua đó, xã Vĩnh Ngọc vừa trích 110 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của xã để tặng bò sinh sản, xe máy, ti vi cho 7 hộ cận nghèo; xã Xuân Canh trao tư liệu, phương tiện sản xuất cho 4 hộ cận nghèo với tổng trị giá 42 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”…
Để hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Kiều Hoàng Tuấn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện định hướng cho người dân tập trung sản xuất các loại hàng hóa, nông sản có thị trường tiêu thụ và là thế mạnh của địa phương như rau, củ quả an toàn, các sản phẩm làng nghề có giá trị sử dụng cao.
Ngoài việc phát huy sức mạnh nội lực của các địa phương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình Lương Tuấn Dũng đề nghị, thành phố áp dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố đối với một số trường hợp đặc biệt, là thành viên thuộc hộ nghèo mới phát sinh trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho rằng, trước mắt các địa phương lấy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để trợ giúp người nghèo; chú trọng bảo đảm việc làm cho người dân. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được triển khai theo hướng tiếp cận đa chiều, ưu tiên giảm nghèo cho vùng khó khăn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo các tình huống dịch Covid-19 để tham mưu kịp thời với UBND thành phố, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.