Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực ổn định đời sống người lao động

Kim Vũ - Hoàng Hà| 15/11/2012 07:22

(HNM) - Hiện nay, do thiếu việc làm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ làm 1-2 tuần, nhân lực làm việc hằng ngày chỉ còn từ 30% đến 40% so với trước. Các doanh nghiệp ngành xây dựng và giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn hơn do các công trình, dự án phải tạm hoãn, thậm chí dừng thi công.

(HNM) - Hiện nay, do thiếu việc làm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ làm 1-2 tuần, nhân lực làm việc hằng ngày chỉ còn từ 30% đến 40% so với trước. Các doanh nghiệp ngành xây dựng và giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn hơn do các công trình, dự án phải tạm hoãn, thậm chí dừng thi công.



Công đoàn các công ty đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động.Ảnh: Nguyệt Ánh


Hàng trăm, hàng nghìn công nhân thiếu việc làm, đời sống bấp bênh. Nhiều công nhân bị ốm đi khám bệnh mới biết công ty còn nợ tiền BHXH nên họ phải bỏ tiền túi chữa bệnh. Các công trình có vốn đầu tư nước ngoài xuất hiện nhiều lao động phổ thông nước ngoài nhập cư trái phép cũng là một nguyên nhân khiến việc làm của lao động trong nước bị giảm. Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) hiện có 40% cán bộ, công nhân phải nghỉ việc luân phiên (3.100 CBCNV và 1.200 lao động ngắn hạn).

Thống kê 9 tháng năm 2012 cho thấy, có 17 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng (trong đó có 9 tổng công ty) nợ lương của người lao động (NLĐ) hơn 256 tỷ đồng; nợ BHXH hơn 270 tỷ đồng. Riêng ngành giao thông từ đầu quý II đến nay có trên 8.500 công nhân phải nghỉ việc hoặc làm luân phiên, số tiền nợ đóng BHXH cho NLĐ là 186 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Sông Đà nợ nhiều nhất với 200 tỷ đồng nợ lương và 100 tỷ đồng nợ tiền BHXH. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, có trên 26.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2012, con số này tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những khó khăn chung về cắt giảm việc làm, công đoàn các ngành, cấp đã vào cuộc để sát cánh cùng người lao động, giảm bớt gánh nặng đời sống và ổn định tâm lý. "Giữ chân" được lực lượng kỹ sư chuyên môn, công nhân lành nghề là tiêu chí quan trọng; giám sát chủ sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật lao động, có biện pháp bảo đảm việc làm cho người lao động cũng được đề ra. Công đoàn Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handinco) trực tiếp tặng quà cho công nhân lao động tại công trường xây dựng; thăm hỏi tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn... Một số công ty huy động nguồn vốn ngắn hạn trong chính những công nhân lao động để tạo việc làm hiện tại và trả lãi theo lãi suất ngân hàng cho họ sau này.

Riêng việc nợ đọng BHXH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải tìm cách giải quyết nợ lương, bảo đảm chế độ chính sách cho NLĐ. Nhiều doanh nghiệp đã bán một phần tài sản để giải quyết cho một số trường hợp về hưu nhưng chưa được giải quyết chế độ vì doanh nghiệp nợ BHXH. Công đoàn các công ty cũng có những giải pháp nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống, như tìm việc làm thêm cho lao động; cam kết bảo đảm trả lương, BHXH đúng hạn; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động, tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp để chia sẻ và cùng tìm biện pháp vượt qua khó khăn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ổn định đời sống người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.