(HNM) - Gần đây, hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó có thể thấy từ việc thuê chung cư cao cấp có hệ thống bảo vệ an ninh nghiêm ngặt để tập kết, buôn bán, cho đến sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông để vận chuyển ma túy… Nỗ lực ngăn chặn tội phạm ma túy, các lực lượng chức năng đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Phương thức, thủ đoạn tinh vi
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng vào cuộc rất quyết liệt, nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) đã triệt phá ổ nhóm ma túy do Nguyễn Thị Kim Hương (sinh năm 1983, ở quận Long Biên) cầm đầu, thu giữ gần 60kg ma túy tổng hợp. Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thủ đoạn của nhóm tội phạm này là sử dụng những căn chung cư cao cấp để tập kết hàng, từ đó cung cấp ma túy ra thị trường.
Về vụ việc trên, anh Trịnh Quang Hùng, cư dân chung cư Times City (quận Hai Bà Trưng) lo ngại do các chung cư cao cấp thường có hệ thống bảo vệ an ninh nghiêm ngặt tạo nên lớp vỏ bọc cho nhóm tội phạm ma túy hoạt động. “Việc tiếp cận nơi ở hoặc nơi các đối tượng hoạt động phạm tội trong chung cư cao cấp của lực lượng chức năng khó khăn hơn vì có hệ thống camera an ninh, khóa ra vào sử dụng thẻ từ, vân tay chỉ chủ sử dụng mới mở được”, anh Trịnh Quang Hùng nói.
Không chỉ có vậy, các đối tượng còn sử dụng phương tiện thông tin để “tẩu tán” tang vật. Điển hình là vụ việc xảy ra trước sảnh tòa nhà chung cư ở đường Đại Dương, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm vào cuối tháng 2-2021. Khi công an khám xét thu giữ bên trong xe ô tô mà Lê Xuân Quyết (ở huyện Gia Lâm) cất giấu gần 120 gram ma túy tổng hợp, thì tại tầng 9 tòa nhà chung cư trên, vợ Lê Xuân Quyết là Nguyễn Thị Thu Ngọc nhận được thông tin đã “tẩu tán” số ma túy đang tàng trữ trong căn hộ bằng cách ném xuống dưới tòa nhà.
Dịch vụ bưu chính viễn thông cũng là một phương thức được tội phạm sử dụng để vận chuyển ma túy. Điển hình như giữa năm 2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với lực lượng Hải quan đã khám xét lô hàng được gửi qua đường bưu chính từ nước ngoài về một địa chỉ ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, phát hiện có chứa hơn 100 viên ma túy.
Theo Công an thành phố Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, đã xác định đấu tranh bắt giữ 1.050 đối tượng bán lẻ ma túy, trong đó có 109 đối tượng hoạt động khép kín, lôi kéo cả người thân trong gia đình cùng tham gia.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Từ năm 2015 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã đưa vào quản lý 73 điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh, triệt xóa 40 điểm phức tạp về ma túy. Hiện nay, toàn thành phố còn 40 điểm phức tạp và lực lượng chức năng đang đẩy mạnh đấu tranh triệt xóa…
"Nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy ngày càng khó khăn, bởi các đối tượng lợi dụng triệt để mọi kẽ hở về giao thông, thương mại, thông tin liên lạc, dịch vụ bưu chính viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội. Trong một số vụ án, nếu trinh sát không ngụy trang tốt thì các đối tượng sẽ phát hiện và thông báo cho nhau nhằm tẩu tán tang vật…", Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân chia sẻ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, để tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy, Công an thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, công an các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, nhất là đối tượng hoạt động lưu động, các loại hình kinh doanh có điều kiện. “Với thủ đoạn lợi dụng dịch vụ chuyển phát và bưu chính để hoạt động phạm tội về ma túy, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng chủ động rà soát, thu thập thông tin để tập trung phòng ngừa, đấu tranh”, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cho hay.
Ở góc độ địa phương, theo Chánh Văn phòng Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Kim Sơn, các cấp ủy, chính quyền quận Thanh Xuân tăng cường phát huy tiếng nói từ cơ sở, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về tội phạm và tệ nạn ma túy; vận động mỗi gia đình giáo dục con, em mình kiên quyết nói không với ma túy.
Về vấn đề trên, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, các cấp bộ Đoàn thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tăng cường hướng nghiệp cho thanh niên với các mô hình thanh niên lập nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân trẻ… và không ngừng tuyên truyền về hiểm họa ma túy để giới trẻ hiểu biết, phòng tránh.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành thành phố Hà Nội, nhất là sự tham gia tích cực của người dân trong tố giác tội phạm, chắc chắn tội phạm ma túy sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.