(HNM) - Các mặt hàng thủy sản, sản phẩm gỗ và lâm sản là những “nông sản tỷ đô” mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế, cũng như tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Thế nhưng, trong quý I-2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản giảm đến hơn 28%, thủy sản giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Với đà sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và tác động đến đời sống của gần 10 triệu lao động trong lĩnh vực này.
Nguyên nhân được xác định là nền kinh tế nước ta nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng đã, đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động từ các yếu tố bất lợi bên ngoài như tranh chấp thương mại diễn biến phức tạp; các nhà nhập khẩu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng; hàng hóa Việt Nam chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều nước khác… Đáng chú ý, lĩnh vực chế biến lâm sản, thủy sản vẫn còn nhiều nguyên, vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài…
Thực tế, các mặt hàng thủy sản, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Hiện sản phẩm thủy sản của nước ta xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ; Việt Nam nằm trong tốp 3 các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản luôn đứng trong tốp 10 xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu bình quân trên 11 tỷ USD/năm...
Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các lĩnh vực này, ngày 13-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời; các chủ thể liên quan cùng nỗ lực, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD và thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2023.
Trong bối cảnh khó khăn, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ là động lực quan trọng cho ngành Nông nghiệp hoàn thành các mục tiêu về xuất khẩu đã đề ra. Đồng nghĩa, đây cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Điều quan trọng là trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các cấp, ngành chức năng và địa phương cần “xắn tay” giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đó là tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; thực hiện các chính sách liên quan đến thuế… Đặc biệt, cần chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với những cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam; đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp…
Ở góc độ doanh nghiệp nông nghiệp nói chung, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm; tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả những hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương đã ký kết. Đây chính là “chìa khóa” để doanh nghiệp tạo uy tín và khẳng định chỗ đứng lâu bền đối với thị trường thủy sản, sản phẩm gỗ và lâm sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.