Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực liên tục

Quỳnh Anh| 27/03/2020 06:31

(HNM) - Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-3, Việt Nam đã xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế nước ta. Đặc biệt, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, dịch Covid-19 tác động xấu... kết quả xuất siêu đạt được càng có ý nghĩa với cả nền kinh tế.

Với xuất siêu, nước ta đã tăng thêm nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế. Quan trọng hơn, đó là sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế đã được nâng cao, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu, được nhiều thị trường truyền thống tiếp tục lựa chọn...

Kết quả xuất siêu cũng phản ánh sự chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới công tác xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị, trong đó quan trọng nhất là sớm chủ động ký kết các đơn hàng từ năm 2019. Vì thế, dù chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, để giữ vững đà xuất siêu không phải là dễ, đòi hỏi các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

Thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 cán mốc 300 tỷ USD theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã có hàng loạt giải pháp được các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai như: Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ xuất khẩu; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu...

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới...

Dù vậy, giải pháp cốt lõi để hướng tới xuất khẩu bền vững, duy trì đà xuất siêu vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Trước tình hình dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động phát huy bài học của việc tìm, ký hợp đồng xuất khẩu sớm để "gối đầu", bảo đảm tốc độ xuất khẩu như từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, thay vì mở rộng kinh doanh, đã đến lúc các doanh nghiệp tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới. Cần lưu ý rằng, việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới cũng khá khó khăn do những xáo trộn trong chuỗi giá trị toàn cầu ở giai đoạn hiện nay và có thể là những năm tới nữa.

Đáng chú ý, thời gian thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã cận kề (dự kiến vào ngày 1-7-2020). Tận dụng được các lợi thế từ hiệp định này, hơn bao giờ hết các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu rõ điều khoản của EVFTA để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề của mình, từ đó có chiến lược, giải pháp phù hợp trong cạnh tranh... Cùng với đó là nắm rõ khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời, nắm chắc thành công trong xuất khẩu.

Thị trường thế giới liên tục biến động và tiềm ẩn nhiều khó khăn. Nhưng nếu có sự nỗ lực liên tục, cùng với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, sự chủ động đổi mới của chính các doanh nghiệp, xuất khẩu nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng để giữ vững đà xuất siêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.