Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

Đỗ Minh| 29/07/2016 07:45

(HNM) - Mục tiêu tăng trưởng của Ngành Nông nghiệp Hà Nội đề ra trong năm nay là từ 3,5% đến 4%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do nhiều nguyên nhân nên mục tiêu trên chưa đạt, đòi hỏi các cấp, các ngành thành phố cần nỗ lực cho sản xuất ở những tháng cuối năm để lấy lại đà tăng trưởng.

Nông dân xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai kiểm tra, chăm sóc lúa. Ảnh: Giang Sơn


Bước sang tháng 7, sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan. Các địa phương đã hoàn thành gieo cấy vụ mùa với diện tích gần 97.280ha trong khung thời vụ, làm tiền đề cho sản xuất vụ đông. Ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai hàng chục mô hình khuyến nông trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bằng các giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao như: Trồng lúa, hoa chất lượng cao tại các huyện Phúc Thọ, Đông Anh, Thạch Thất, Mê Linh…; mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học ở Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ… Trong chăn nuôi, tính đến thời điểm này, số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố duy trì ổn định, trong đó: Đàn trâu, bò hơn 171.600 con, lợn hơn 1,43 triệu con, gia cầm gần 26,4 triệu con. Đáng nói, trong tháng không có ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm. Cũng trong tháng 7, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản ở các địa phương đạt hơn 21.130ha, sản lượng ước tính 44.000 tấn.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, từ nay đến cuối năm là mùa thu hoạch của những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, hoa chất lượng và rau màu… Cùng với đó, diện tích vùng trồng rau an toàn tập trung với diện tích hơn 2.000ha, ước giá trị sản xuất trung bình đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 1.200ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, các vùng cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn với hàng nghìn héc ta, hiệu quả trung bình đạt từ 300 triệu đồng đến vài tỷ đồng... “Đa số những cây, con chất lượng đều tập trung vào những tháng cuối năm nên Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị bám sát cùng nông dân, chủ động các biện pháp chống úng, ngập, phòng trừ sâu bệnh để bảo đảm năng suất, chất lượng để hoàn thành mục tiêu ngành đề ra trong năm” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Theo ông Chu Phú Mỹ, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn. Nhiệm vụ trước mắt, ngoài việc dồn lực cho vụ mùa và vụ đông để ổn định tăng trưởng, Sở phối hợp với các địa phương gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung; giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở lợn; tiếp tục triển khai chương trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố... Về lâu dài, sẽ chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, mấu chốt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.

Đề cập đến hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho rằng: Nông nghiệp Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển gắn với sinh thái và du lịch. Muốn vậy, thành phố cần nới rộng chính sách, chương trình hỗ trợ các huyện xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu: Nông nghiệp Hà Nội có đặc thù riêng, là nền nông nghiệp phát triển trong Thủ đô hiện đại, do vậy Ngành Nông nghiệp phải tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dù là Thủ đô, song nông nghiệp đang là ngành kinh tế đem lại nguồn thu nhập cho hơn 60% dân số ở nông thôn. Việc duy trì đà tăng trưởng có ý nghĩa lớn, ngoài vấn đề kinh tế còn là an sinh xã hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.