(HNM) - Mặc dù bị tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song từ đầu năm 2020 đến nay, công tác giảm nghèo trên địa bàn Hà Nội vẫn đạt được những kết quả khả quan. Có được thành tích này là nhờ các cấp, ngành chức năng, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và mỗi người dân thành phố chung sức, đồng lòng, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.
Hỗ trợ kịp thời cho người nghèo
Quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội trong công tác giảm nghèo là hỗ trợ người nghèo vươn lên dựa theo nhu cầu, hoàn cảnh, khả năng của từng cá nhân, gia đình. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng vừa hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay, thành phố đã chi trả tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho gần 309.000 nhân khẩu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 359 tỷ đồng. Đón nhận sự quan tâm này, ông Lê Văn Sướng, thôn Liên Tân, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) xúc động: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn hỗ trợ kịp thời đến từ các cơ quan chức năng đã giúp chúng tôi có thêm khoản tiền trang trải cho cuộc sống”. Ngoài ra, các ngành, địa phương đã tổ chức xét duyệt và hỗ trợ cho hơn 110.000 người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với số tiền hơn 110 tỷ đồng…
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, những hộ nghèo, cận nghèo còn khả năng lao động tiếp tục được hỗ trợ về công cụ, phương tiện hoặc được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Dương Đình, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) cho hay: “Gia đình tôi vừa được các cơ quan chức năng tặng máy phay đất. Có phương tiện để mở rộng sản xuất, tôi tin gia đình sẽ sớm thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo".
Nhờ sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, Hà Nội chỉ còn 0,42% số hộ nghèo và khoảng 2% số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố. Đặc biệt, huyện Gia Lâm đã đưa 62 hộ nghèo còn lại vào cuối năm 2019 thoát khỏi cảnh nghèo vào tháng 6-2020, trở thành địa phương thứ 10 của Hà Nội không còn hộ nghèo, sau các quận: Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Đông Anh.
Phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh cho biết, năm 2020, huyện đã nhân rộng mô hình “Cộng đồng chung sức giảm nghèo bền vững”, huy động các nguồn lực xã hội để giảm nghèo. Từ nhiều nguồn lực vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Lâm đã trao kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 13 hộ cận nghèo ở hai xã: Lệ Chi, Dương Quang và trao công cụ, phương tiện sản xuất cho nhiều gia đình…
Với cách làm tương tự, các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Quốc Oai,… cũng phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm nay. “Chúng tôi tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo, cố gắng đưa 109 hộ nghèo còn lại của huyện thoát khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm nay”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho hay.
Tuy đã nỗ lực trong công tác giảm nghèo, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn, nhất là ở khu vực xa trung tâm. Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Dương Trung Liên trăn trở, hiện toàn xã chỉ còn 39 hộ nghèo (bằng 7,47%), nhưng số hộ cận nghèo, có nguy cơ tái nghèo vẫn chiếm gần 50% tổng số hộ trên địa bàn. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hướng giảm nghèo hiệu quả tại xã Ba Vì, nhưng phải tạm dừng nhiều tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ thực tế đó, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Đặng Quyết Thắng kiến nghị, các cơ quan chức năng ưu tiên hơn nữa về nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo cho vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, để nguồn lực hỗ trợ đến đúng đối tượng, Sở vừa có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh công tác rà soát, xác định, phân loại hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm công khai, minh bạch... Ngoài ra, nếu gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất được thông qua, thì Hà Nội cũng như cả nước sẽ có thêm một số nhóm đối tượng gặp khó khăn được hỗ trợ trong thời gian tới.
Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, thường xuyên, hy vọng mục tiêu toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.