(HNMO) - Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, TP Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý nhà nước để đạt hiệu quả tích cực hơn trên mọi lĩnh vực. Đây là nhận định được nêu ra tại hội nghị giao ban công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai công tác 6 tháng cuối năm diễn ra ngày 18-6. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chủ trì; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh dự hội nghị.
Số vụ khiếu nại tố cáo giảm 12%
Báo cáo của Thanh tra TP Hà Nội về công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN 6 tháng đầu năm cho biết, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 18.881 lượt công dân đến KNTC, tiếp nhận và xử lý 15.836 đơn các loại, tiếp 83 lượt đoàn đông người. Toàn thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 1.216 vụ KNTC. Trong đó, khiếu nại đúng chiếm 8%, khiếu nại sai chiếm 69%, có đúng, có sai chiếm 13%, rút đơn khiếu nại chiếm 10%. Tố cáo đúng chiếm 13%, tố cáo sai chiếm 62%, tố cáo có đúng, có sai chiếm 25%. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước sẽ thấy số vụ KNTC tiếp nhận giảm 12%. Như vậy, số vụ KNTC còn cao nhưng thực chất vụ việc có vấn đề lại giảm. Điều này cũng cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành đến nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên thực tế, nhiều vụ việc khi triển khai các dự án, cơ quan chức năng vẫn thường căn cứ theo quy định làm chứ chưa thực sự coi trọng công tác phổ biến tốt; rồi khi dân hỏi thì chậm trả lời, thậm chí vòng vo nên người dân chưa hiểu thấu đáo dẫn đến bức xúc. Trong việc giải quyết các vụ theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP và Kế hoạch 2100/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ cũng còn một số vụ việc chưa giải quyết xong, phải tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm. Theo báo cáo giám sát số 03/BC-HĐND của HĐND thành phố về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri và giải quyết KNTC trên địa bàn thành phố cũng mới giải quyết được 72/266 vụ việc, đạt tỷ lệ 27%. Thậm chí, nhiều đơn vị còn chưa báo cáo Thanh tra thành phố về vấn đề này như: Đống Đa, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Mê Linh, Chương Mỹ, Thạch Thất và Mỹ Đức.
Trong công tác PCTN, việc phát hiện các vụ án tham nhũng cũng được đánh giá là chưa tương xứng với tình hình. Phần lớn các vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua tố giác, phản ánh của quần chúng nhân dân và báo chí, ít trường hợp được phát hiện và xử lý thông qua công tác tự kiểm tra, thanh tra.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trong công tác KNTC, thanh tra, PCTN được cho là do tính chất phức tạp của các vụ việc. Một số vụ việc kéo dài theo thời gian, cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi nên khó tổ chức thực hiện. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan nhà nước giải quyết nhiều lần, đúng pháp luật, bảo đảm có lý, có tình nhưng công dân vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài, chủ yếu do nhận thức pháp luật của công dân còn hạn chế, một số ít do bị kẻ xấu kích động. Bên cạnh đó, một số quận, huyện chỉ đạo thiếu quyết liệt, không phân công rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân nên việc giải quyết, tổ chức thực hiện các vụ việc còn chậm.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện một số đơn vị cho biết 6 tháng đầu năm đã xây dựng và triển khai kế hoạch nên đã đạt được những kết quả đáng kể trong giải quyết KNTC liên quan đến đất đai, GPMB… Từ nay đến cuối năm, các đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các sở ngành để xử lý hiệu quả các vấn đề tồn tại, nhất là trong các vụ việc tồn đọng và tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh khẳng định, TP Hà Nội có khối lượng công việc lớn và đã đạt những kết quả, nhất là trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC. Tuy nhiên, công tác chọn mẫu các cuộc thanh tra còn ít và việc triển khai thanh tra diện rộng còn chậm. Vì vậy, thời gian tới, trong công tác thanh tra cần làm sâu hơn nữa việc quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, TP Hà Nội cần chỉ đạo ráo riết để hoàn thành kế hoạch năm 2014, chuẩn bị kế hoạch năm 2015. Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bởi đây là mấu chốt của mọi vấn đề. Bên cạnh đó, cần tổ chức, thực hiện tốt Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ 1-7 và tăng cường đào tạo, đào tạo lại, phát triển nhân lực để có đội ngũ thanh tra tốt.
Phát biểu kết luận hội nghị, sau khi phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đề nghị, thời gian tới, phải tập trung tuyên truyền mạnh hơn nữa về các luật: Đất đai, KNTC, Tiếp công dân… để nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và hiệu quả giải quyết KNTC. Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thì cán bộ thanh tra phải chịu khó nghe, chịu khó tìm chứng cứ, khắc phục tình trạng ngại thanh tra lại dẫn đến bỏ sót các tình tiết mới. Đặc biệt, các đơn vị cần đặc biệt quan tâm đến các vụ tồn đọng theo Kế hoạch 1130 và Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ cũng như kết luận giám sát của HĐND thành phố... để sớm giải quyết dứt điểm. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hiện công khai, minh bạch trong kê khai tài sản, cải cách hành chính, xây dựng và sửa đổi văn bản để tránh lách luật. Các quận, huyện xem lại quy trình để không có sơ hở về mặt quản lý nhà nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.