(HNM) - Trước hội nghị Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban với các quận, huyện, thị xã vào ngày 15-1, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành. Thông điệp chung là thể hiện quyết tâm nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu năm 2021 để góp phần cùng thành phố thực hiện thành công Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng:
Quyết tâm vượt khó phát triển kinh tế
Năm 2021, trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ và thách thức, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Phúc Thọ triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm với quyết tâm cao nhất. Năm nay, Phúc Thọ phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%; thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước đạt 365,1 tỷ đồng...
Để thực hiện các chỉ tiêu quan trọng trên, Phúc Thọ tập trung khai thác hiệu quả và bền vững các nguồn thu để tăng ngân sách; huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo đà cho phát triển kinh tế. Phúc Thọ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai, hoàn thiện hạ tầng 6 cụm công nghiệp đã được thành phố phê duyệt…
Với tinh thần vượt khó, Phúc Thọ quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, cùng với Thủ đô hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu:
Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra
Từ kết quả hoàn thành 15/15 chỉ tiêu nhiệm vụ thành phố giao, trong đó có 7 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức trong năm 2020, năm 2021, quận Hoàng Mai đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn là 8,72%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.664 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 5.600 lao động, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đô thị...
Để đạt các chỉ tiêu đó, quận tập trung thực hiện một số phương châm chủ yếu. Đó là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường hiệu quả, kỷ cương điều hành ngân sách…
Ngoài ra, quận sẽ chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, linh hoạt trong sản xuất
Sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,2% trong năm 2020, đến năm 2021, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất cho từng nhóm cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Coi ứng dụng công nghệ cao là giải pháp trọng tâm, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến cũng như các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao...
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ căn cứ vào từng thời điểm và nhu cầu thị trường để điều chỉnh nhóm cây trồng, vật nuôi và phân khúc thị trường giữa nội đô và ngoại thành. Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp làng nghề kết hợp mô hình du lịch giáo dục trải nghiệm; chú trọng bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến:
Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng giáo dục
Năm 2020, dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với tinh thần “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”, thầy, trò ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy học.
Các chương trình dạy học qua truyền hình của Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, được sở Giáo dục và Đào tạo của 12 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp sóng... Những kết quả đạt được đã tạo động lực, niềm tin để thầy, trò ngành Giáo dục Hà Nội thêm nỗ lực, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020-2021; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.