(HNM) - 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít F0 là cán bộ, công chức ngành Thi hành án phải cách ly, nghỉ làm việc, chăm sóc phục hồi, song công tác thi hành án vẫn cơ bản duy trì nhịp so với cùng kỳ. Trong đó, kết quả thi hành án về tiền tăng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thắng Lợi cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, có nhiều giải pháp linh hoạt để cơ bản duy trì kết quả tổ chức thi hành án so với cùng kỳ. Tổng số việc phải thi hành là 587.739 việc; số có điều kiện thi hành là 410.615 việc và đã thi hành xong 202.015 việc, đạt 49,2%. Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 292.475 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 159.795 tỷ đồng. Hiện các cơ quan chức năng đã thi hành xong hơn 35.183 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, toàn hệ thống đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc, với số tiền hơn 34.974 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án Phan Sào Nam được dư luận đặc biệt quan tâm, việc thi hành án cơ bản đã được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ giải quyết. Số tiền Phan Sào Nam phải thi hành án đã thi hành xong hơn 1.384,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93,87%.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung tổ chức thi hành xong 17.179 việc tương ứng trên 15.000 tỷ đồng, chiếm gần 1/2 tổng số thi hành xong của toàn hệ thống thi hành dân sự cả nước. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi được tập trung chỉ đạo, tiếp tục đạt kết quả tích cực với trên 8.000 tỷ đồng được thu hồi.
Tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù có 33 vụ việc khó, phải cưỡng chế thi hành án nhưng đều diễn ra an toàn, thành công. Đến nay, các đơn vị đã giải quyết thi hành xong 2.492 việc, tương ứng trên 149 tỷ đồng (đạt 66,1% về việc và 35,2% về tiền so với chỉ tiêu được giao).
Với Hà Nội, thống kê cho thấy, tổng số việc giải quyết là 39.154 việc; tổng số việc phải thi hành 38.617 việc. Đến nay, cơ quan này đã thi hành xong 12.471 việc, đạt tỷ lệ 44,85%. Về tiền, tổng số phải thi hành trên 49.200 tỷ đồng, trong đó có điều kiện thi hành trên 29.338 tỷ đồng (chiếm 60%); số tiền thi hành xong gần 4.300 tỷ đồng (tăng trên 618 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ 14,6%).
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, để hoàn thành các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, nhất là 2 chỉ tiêu cơ bản về việc và về tiền, từ nay đến cuối năm 2022, các cơ quan thi hành án cần tập trung nguồn lực, quyết liệt tổ chức thi hành án, làm đâu chắc đó. Bộ Tư pháp yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp về kết quả công tác của đơn vị. Đặc biệt, phải đôn đốc, kiểm tra các chi cục thi hành án dân sự theo kế hoạch, tập trung vào những đơn vị còn tồn nhiều vụ việc đã đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, những đơn vị có lượng việc, tiền phải thi hành lớn hoặc có kết quả thi hành án đạt tỷ lệ thấp, có nhiều vụ việc phức tạp.
Với những tỉnh, thành phố chưa có đột phá trong 6 tháng đầu năm 2022, ông Mai Lương Khôi cho rằng phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố và các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp tổ chức thi hành án. Đối với thành phố Hà Nội, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cần kiểm tra chi tiết từng vụ việc cụ thể tồn đọng, sát sao trong chỉ đạo và nỗ lực hơn trong duy trì “nhịp” thi hành án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.