(HNM) - Sau hai ngày làm việc, chiều 17-10, Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) với chủ đề
Các nhà lãnh đạo ASEM 10 tại Milan (Italia). |
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, thiếu bền vững và chưa đồng đều do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, ASEM 10 đã tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo Á - Âu thảo luận cởi mở về các vấn đề kinh tế, tài chính và đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác giữa hai lục địa. Quan trọng hơn, hội nghị đã chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ, khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định liên lục địa cũng như trên toàn cầu. Điều này được chứng minh qua chương trình nghị sự với nội dung tập trung vào nhiều vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán người, an ninh hàng hải và cướp biển…
Tại hội nghị, các thành viên ASEM cũng đã chia sẻ, đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, tiến trình hòa bình Trung Đông, Libya, Syria, Iraq, Afghanistan cũng như Bán đảo Triều Tiên… Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại Châu Á, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông. Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine - tâm điểm chú ý của dư luận thế giới thời gian qua - là một chủ điểm chi phối ASEM 10. Mặc dù, các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị giữa các bên liên quan vẫn chưa đưa ra được những giải pháp rõ ràng tiếp theo nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nga - phương Tây; song, Kiev và Mátxcơva đã đạt được thỏa thuận nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine. Động thái này được đánh giá là tích cực trong bối cảnh lối ra cho cuộc xung đột bên bờ Biển Đen còn mờ mịt.
Rõ ràng, những kết quả đạt được tại hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, thể hiện sinh động quyết tâm chung giữa các nhà lãnh đạo nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á - Âu, qua đó nâng cao vị thế của diễn đàn trong tình hình mới.
Với Việt Nam - một thành viên sáng lập ASEM - thì ASEM 10 tiếp tục là một cơ chế hợp tác quan trọng ở tầm liên khu vực để thúc đẩy các lợi ích về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì tất cả các đối tác chiến lược cũng như hầu hết các đối tác toàn diện và các đối tác thương mại tự do của Việt Nam là thành viên ASEM. Với tư cách là thành viên sáng lập và qua 18 năm đóng góp thiết thực cho ASEM, Việt Nam đã tích cực tham gia có hiệu quả nâng cao vai trò và vị thế của diễn đàn, ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Việt Nam và ASEM. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực trong đề xuất sáng kiến hợp tác cụ thể. Tại Hội nghị ASEM 10, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, đã tiếp tục đề xuất và triển khai 3 sáng kiến mới về "Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực", "Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo" và "Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững". Các thành viên tại hội nghị đã đánh giá cao tính thiết thực của các sáng kiến này và nhiều thành viên ASEM đã tham gia đồng bảo trợ. Ngoài ra, với tư cách Ủy viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (2014 - 2016), Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội thảo ASEM không chính thức đầu tiên về nhân quyền lần thứ 14 với chủ đề "Doanh nghiệp và quyền con người" từ ngày 18 đến 20-11 tại Hà Nội.
Những đóng góp có ý nghĩa và thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng qua các kỳ ASEM và đặc biệt tại ASEM 10 vừa kết thúc, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEM cũng như sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung của khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.