Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực đưa nông sản Việt ra thế giới

Minh Phú| 12/02/2019 14:55

Trong buổi trò chuyện đầu xuân 2019 với Hànộimới, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiền Lê Group - Nguyễn Thị Bảo Hiền trải lòng về hành trình vượt khó, nỗ lực đưa nông sản Việt ra thế giới.

- Bà có thể chia sẻ về những dự án nông nghiệp mà đơn vị đang triển khai, thưa bà?

- Chúng tôi đã liên kết với nông dân, đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật để xây dựng vùng sản xuất tại: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang với quy mô 150ha đậu tương rau; 50ha khoai sọ. Tại vùng sản xuất đậu tương quy mô 20ha tại làng Nông Xá, xã Tân Tiến, huyện An Dương, TP Hải Phòng, sau 3 năm thực hiện liên kết, chất lượng đậu tương mỗi vụ đã được cải thiện rất nhiều, sản phẩm đủ tiêu chuẩn chế biến, đóng gói và xuất khẩu.

Cùng với vùng sản xuất, chúng tôi đã xây dựng nhà máy chế biến rau quả tại thị trấn Lai Cách (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Nhà máy có công suất chế biến các loại nông sản như: Khoai sọ, đậu tương, vải thiều... 4 tấn/giờ để xuất khẩu tới Nhật Bản và Vương quốc Anh.

- Thưa bà, đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần vốn lớn nhưng thu hồi vốn lâu và nhiều rủi ro. Tại sao bà lại chọn đi theo con đường này?

- Tôi đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều nước, tôi thấy nông dân nước bạn làm nông sản mà giàu có, tại sao nông dân nước mình lại không làm được như vậy? Đến Nhật Bản, lần nào tôi cũng vào các siêu thị, quan sát sở thích mua hàng của người tiêu dùng và nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch đã qua chế biến, đáp ứng được độ tươi ngon của người dân Nhật Bản rất lớn. Do vậy, tôi quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Rất may, chúng tôi được Tập đoàn Nosui của Nhật Bản hỗ trợ đắc lực trong hành trình đầu tư vào nông nghiệp, từ việc chọn giống đến làm đất, gieo trồng, chăm sóc và tham gia tư vấn trong chế biến, đóng gói trước khi xuất khẩu sang thị trường kỹ tính bậc nhất là Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê.


- Đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có gặp khó khăn gì không, thưa bà?

- Sau 2 năm tìm hiểu, 3 năm thực hiện, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng thực sự chưa thu được một đồng lợi nhuận nào. Tôi biết rằng, không thể đòi hỏi có ngay lợi nhuận và xác định vẫn đang trong giai đoạn đầu tư; làm sao để cải thiện đồng đất và thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân; tập trung sản xuất chất lượng, hướng vào sản phẩm xuất khẩu để có thể đi "đường dài". Rất may, Hiền Lê Group sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực và chúng tôi đang phải lấy lợi nhuận từ các lĩnh vực khác để bù lỗ cho nông nghiệp.

Ngoài vốn lớn, việc tích tụ ruộng đất cũng còn nhiều khó khăn với chúng tôi. Bên cạnh đó, do trước đây, khi canh tác trên đồng ruộng, bà con dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật chưa phù hợp nên đồng ruộng bị ô nhiễm, doanh nghiệp đã phải mất 3 năm liền cải tạo đất, tiêu tốn khá nhiều tiền, thời gian và công sức...

- Để chinh phục được các thị trường kỹ tính, doanh nghiệp đã làm gì, thưa bà?

- Với tôi, uy tín và chất lượng chính là yếu tố quan trọng để thâm nhập các thị trường kỹ tính. Vì vậy, chúng tôi đã không ngại đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Rất may, chúng tôi có các chuyên gia đến từ tập đoàn Nosui (Nhật Bản) hỗ trợ trong tất cả các khâu: Trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến...

Đối với vùng sản xuất, chúng tôi hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa để giảm sức lao động, sản xuất theo quy trình sạch. Đây cũng là lý do nhiều năm qua không chỉ đậu tương rau, mà cả khoai sọ hay vải Thanh Hà thành phẩm đều chiếm được cảm tình của các đối tác nước ngoài.

- Trước thềm năm mới 2019, bà có thể chia sẻ những dự định của đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

- Với tín hiệu tốt của thị trường, đầu năm 2019, Hiền Lê Group phát triển thêm 200ha trồng đậu tương và phấn đấu đến cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là đầu năm 2020 sẽ tăng lên thành 500ha. Trong đó, kế hoạch năm 2019 xuất khẩu 1.500 tấn đậu tương, 500 tấn khoai sọ thành phẩm, 100 tấn vải cấp đông. Đối với chế biến sâu, Hiền Lê Group tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên 12 tấn/giờ, gấp 3 lần so với hiện tại.

Chúng tôi tiếp tục phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia nông nghiệp nước ngoài; đồng thời, thực hiện bài bản, tuân thủ đúng quy trình của nhà nhập khẩu để sản xuất ra nông sản sạch, chất lượng cao... Duy trì kết quả này, chúng tôi sẽ không quá lo về “đầu ra”.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đưa nông sản Việt ra thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.