(HNM) - Một khối lượng công việc rất lớn đã được Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thực hiện trong năm 2022. Tất cả thể hiện rõ mục tiêu cao cả, ý nghĩa là nỗ lực chung tay vì cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Những điểm nhấn ấn tượng
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai công tác năm 2023 tổ chức vào ngày 10-1 tại huyện Đông Anh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương cho biết, kết quả thực hiện nhiệm vụ của trung tâm năm 2022 đều vượt so với năm 2021. Cụ thể, công tác tư vấn và trợ giúp đạt 153% so với cùng kỳ về số ca và số lượt tư vấn. Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động được 10.762.796.114 đồng, đạt 159% so với cùng kỳ, hỗ trợ được cho 8.466 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn. Công tác phát triển cộng đồng với những mô hình mới đang được triển khai thực hiện hiệu quả… Công tác y tế, nuôi dưỡng, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho đối tượng và phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh theo mùa hiệu quả, chăm lo khẩu phần ăn cho đối tượng đúng chế độ, bảo đảm dinh dưỡng…
Tuy vậy, những con số, đầu việc mang tính điểm nhấn đó chưa thể nói hết những gì mà đội ngũ viên chức, người lao động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã và đang thực hiện mỗi ngày. Với trách nhiệm công việc được giao, trung tâm đã thực hiện tốt chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; tập trung, tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng người lang thang; đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp như trẻ bị bỏ rơi, người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình và các đối tượng khác theo quy định. Trung tâm cũng tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để thực hiện mục đích bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật...
Đơn cử như về công tác tư vấn, trợ giúp đối tượng, trong năm qua đã có 621 vụ việc với 681 đối tượng và 6.353 lượt tư vấn được thực hiện, trong đó có 264 trường hợp tiếp nhận từ Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, 229 trường hợp từ tư vấn cộng đồng… Cùng với đó là tiếp nhận các vụ việc cần sự bảo vệ khẩn cấp; thực hiện quản lý vụ việc đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phụ nữ, vị thành niên bị bạo hành, xâm hại tình dục…
Triển khai những công việc đầy ý nghĩa
Tại hội thảo về công tác xã hội được tổ chức cuối năm 2022 tại Hà Nội, bà Lê Hồng Loan, đại diện Quỹ Nhi đồng quốc tế Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam từng chia sẻ: “Công tác xã hội có vai trò trọng yếu trong việc tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, nhằm bảo đảm những người nghèo, người dễ bị tổn thương có thể sống trong môi trường xã hội một cách tự tin với đúng nhân phẩm và được thực thi đầy đủ quyền của họ, góp phần thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội, gắn kết xã hội, giải quyết khó khăn trong cuộc sống và nâng cao an sinh”.
Có rất nhiều công việc mang ý nghĩa thiết thực đã và đang được trung tâm triển khai thực hiện, bao gồm rà soát, tổng hợp, bổ sung thông tin trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đề nghị hỗ trợ học nghề; rà soát phụ nữ có nhu cầu hỗ trợ sinh kế và trẻ em có nhu cầu hỗ trợ học nghề; hỗ trợ khám sàng lọc, phẫu thuật tim bẩm sinh, răng hàm mặt cho trẻ em; hỗ trợ kinh phí học tập dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn; tổ chức lớp học “Tỏa sáng” hằng tháng tại trung tâm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt…
Là người trực tiếp phối hợp cùng trung tâm trong việc tổ chức, triển khai mô hình “Giáo dục hạnh phúc”, Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục đào tạo (Hiệp hội các trường đại học Việt Nam) Nguyễn Thị Hồng Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình giáo dục hạnh phúc, trước mắt thực hiện truyền thông cho học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Cường (quận Hà Đông) và Trường Trung học cơ sở Tân Hội (huyện Đan Phượng). Đây là mô hình mới trong phát triển cộng đồng nên mọi việc phải đi từng bước, nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết cộng đồng, kết nối nguồn lực giữa gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, với sự vào cuộc, hướng dẫn chuyên nghiệp của những người làm công tác xã hội, hướng đến hỗ trợ giáo dục toàn diện cho các em. Thông qua quá trình xây dựng, phát triển mô hình, tôi càng thấy trân trọng công việc những người làm công tác xã hội và bảo trợ xã hội”.
Còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội vẫn nuôi lửa đam mê, gắn bó với nghề, bởi “chúng tôi đang được làm công việc thực sự có giá trị cho xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người về lĩnh vực công tác xã hội, an sinh xã hội”, như chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn và Trợ giúp Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Trịnh Thị Phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.