(HNM) - Sở LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố kết quả khảo sát về tình trạng trẻ em phải lao động sớm trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại (NNNHĐH) tại quận Ba Đình và huyện Thường Tín, Hà Nội mà cụ thể là phường Phúc Xá, xã Nhị Khê và xã Hiền Giang.
Tình trạng trẻ em phải lao động sớm trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn còn tồn tại. Ảnh: Thu An |
Thiệt thòi trẻ lao động sớm
Công việc của các em là chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, đồ thờ cúng, dệt vải và thêu, phân loại vải, sửa chữa xe máy, bán hàng rong và chăn nuôi… Có tới 83% trẻ em trong số đó làm việc trong môi trường bụi bẩn từ gỗ, đá; các chấn động của máy móc vượt quá mức cho phép; các loại máy móc nguy hiểm đối với trẻ em. Khoảng 32% các em đã từng bị thương khi làm việc trong 12 tháng gần nhất. Trên 35% các em cho biết hay bị chóng mặt và mệt mỏi. Trẻ em lao động sớm ở huyện Thường Tín phần lớn làm theo nghề của gia đình, hơn 100 trẻ đi làm do gánh nặng kinh tế. Còn đa phần trẻ em ở phường Phúc Xá phải đi làm sớm vì lý do kinh tế. Các em thường bỏ học ở độ tuổi 14-15 hoặc lớn hơn. Có hai kiểu nhóm trẻ em lao động chính ở Phúc Xá, tập trung chủ yếu trong và xung quanh chợ Long Biên. Một nhóm là các em di cư đến đây theo gia đình và một nhóm các em đến từ các tỉnh, quận huyện xung quanh. Các em làm nhiều việc trong chợ; một số giúp bán hàng, một số em mang vác hay nhặt lại các hàng hóa bị rơi vãi như rau, cá, đồ hải sản để bán lại. Chợ chủ yếu hoạt động vào ban đêm và đầu giờ sáng khi hàng hóa được chuyển đến từ các vùng quê để bán. Các em thường phải mang vác nặng, làm việc ban đêm. Nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, tham gia vào các hoạt động tình dục khi chưa đủ tuổi là không tránh khỏi.
Vất vả là vậy nhưng mức tiền lương mà các em nhận được khá thấp. Có khoảng 80% trẻ em được trả công theo sản phẩm. 18% được trả công theo giờ làm và một số ít được trả lương học nghề. Thu nhập trung bình khoảng 675.000 đồng/tháng.
Chung tay hành động
Trong hai năm trở lại đây, việc trẻ em phải lao động sớm đã được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở nhận thức hạn chế của nhiều gia đình, người sử dụng lao động, thậm chí cả chính quyền địa phương về lao động trẻ em.
Trước thực trạng này, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với ILO và các cơ quan chức năng thực hiện chương trình hành động ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lao động sớm.Tại phường Phúc Xá, các buổi gặp gỡ, tham vấn diễn ra liên tục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Với các em nhỏ từ 6 đến 11 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, chương trình đã hỗ trợ nhập học ở Mái ấm 19-5 hoặc được bố trí theo học các chương trình đào tạo không chính quy. Các trung tâm dạy nghề thành phố, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ (như Koto, VIP Bikes và Trường Hoa Sữa) đã tổ chức dạy nghề cho các em. Chương trình cũng làm việc với ban quản lý các chợ để xây dựng các hướng dẫn phù hợp với các quy định của pháp luật về các công việc cấm trẻ em tham gia trong chợ để bảo vệ các em khỏi các công việc NNNHĐH. Tại hai xã Nhị Khê và Hiền Giang, các cơ quan chức năng tiếp cận và nhận trẻ vào hệ thống giáo dục chính quy. Những trẻ em nghèo sẽ nhận được các hỗ trợ cần thiết khác để đi học, như đồng phục, sách vở...
Đặc biệt, chương trình cũng hỗ trợ vốn cho các gia đình nhưng phải ký cam kết tôn trọng việc học hành của con cái và tuân thủ các chính sách và quy định về lao động trẻ em, không thuê mướn các em làm các việc độc hại hoặc bắt các em làm quá số giờ quy định. Chính quyền địa phương và các thanh tra cũng như người dân trong cộng đồng sẽ giám sát thường xuyên để quản lý việc này. Có thể nói đây là những hành động tốt nhất nhằm ngăn ngừa tình trạng lao động trẻ em và giúp các em được cung cấp các dịch vụ bảo trợ xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.