(HNM) - Theo các chuyên gia, Việt Nam chỉ còn khoảng 15-17 năm chuẩn bị cho giai đoạn chuyển hóa từ
Ông Nguyễn Văn Huỳnh 76 tuổi, ở phường Nam Đồng (quận Đống Đa) rất chăm đi khám theo các chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe được tổ chức ở phường. Lần nào ông cũng được các bác sĩ khẳng định sức khỏe tốt. Nhưng sau một trận sốt cao, ông đột ngột bị nhồi máu cơ tim, phải cấp cứu ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ cho biết, ngoài nhồi máu cơ tim, ông còn bị cao huyết áp, bệnh phổi rất nặng. Nếu không có khoản viện phí 80 triệu đồng nộp ngay để thực hiện phẫu thuật, không hiểu tính mạng ông sẽ ra sao. Đây là một ví dụ về sự bất cập trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế, BHYT của NCT.
Khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi tại phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội). |
Theo kết quả điều tra về NTC năm 2011, Việt Nam có 95% NCT có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây truyền; 30% NCT không có BHYT, 50% NCT không có khả năng chi trả phí điều trị; 70% NCT không có tích lũy vật chất, dẫn tới có 62,3% NCT gặp khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Số NCT sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội chỉ chiếm 25,5%. Trong khi đó, xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân ít thế hệ, khiến nhu cầu chăm sóc NCT ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, hệ thống y tế lão khoa đang thiếu hụt trầm trọng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên khẳng định: Nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tổ chức cuộc sống… cho khoảng 20 triệu NCT trong vòng 20-30 năm tới đòi hỏi rất nhiều nguồn lực. Riêng về nhu cầu chăm sóc y tế, tại các quốc gia, NCT chỉ chiếm 10-20% tổng dân số, nhưng chiếm hơn 70% chi phí dành cho y tế và tiêu thụ hơn 50% tổng lượng thuốc. Bên cạnh đó, họ thường xuyên phải đối mặt với nhiều bệnh tật cùng lúc. Thống kê từ Viện Lão khoa quốc gia cho thấy, mỗi bệnh nhân cao tuổi điều trị tại đây ít nhất mắc 3 bệnh mãn tính phổ biến, bao gồm cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm trí nhớ. Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT (thuộc TƯ Hội NCT Việt Nam) Trần Thị Dung khẳng định: Hệ thống cơ sở chăm sóc, chữa trị, tư vấn về y tế và nhân viên điều dưỡng cho NCT đang thiếu cơ bản. Toàn quốc chỉ có 1 bệnh viện lão khoa quy mô nhỏ với 200 giường, là tuyến cuối chữa trị toàn diện so với nhu cầu của gần 9 triệu NCT. Tại các địa phương, việc thực hiện Thông tư 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về phát triển Khoa Lão khoa, bố trí giường bệnh điều trị lão khoa tại các bệnh viện đa khoa có quy mô điều trị từ 50 giường trở lên mới chỉ lác đác được thực hiện tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…
Bên cạnh hệ thống 400 trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng NCT nghèo, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng một số nhà dưỡng lão đúng nghĩa. Tuy nhiên, các nhà dưỡng lão này do tư nhân xây dựng và quản lý nên phí cao, không phải là lựa chọn của đa số NCT hiện nay.
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Từ những bất cập nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên kiến nghị cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, làm nền tảng phát triển công tác xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực chăm sóc NCT. Trong những năm qua, thực hiện Luật NCT, Ban đại diện Hội NCT TP Hà Nội đã rà soát, đánh giá hiện trạng cuộc sống NCT trên toàn TP, xây dựng chương trình hành động ứng phó với giai đoạn "dân số già", hỗ trợ thường xuyên cho NCT nghèo từ 80 tuổi trở lên là 350.000 đồng. Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội NCT TP Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho biết, thành phố đã tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm Luật NCT; tập trung vận động nguồn lực hỗ trợ NCT tại cộng đồng, kiến nghị hạ độ tuổi hưởng hỗ trợ cho NCT nghèo xuống 75.
Cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh, thành như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về nhà ở, trợ cấp thường xuyên, tiến tới bảo đảm cuộc sống NCT… Dù vậy, đời sống vật chất và tinh thần của NCT vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng nỗ lực chăm sóc NCT, tại Hà Nội và nhiều địa phương đang áp dụng mô hình liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng mô hình này đã bước đầu khẳng định hiệu quả, tăng cường vai trò, phát huy kinh nghiệm của NCT trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc gia đình; củng cố mối quan hệ trong gia đình và giữa các thành viên trong cộng đồng. Để giải quyết toàn diện vấn đề, rất cần các chương trình quốc gia về BHYT và BHXH, giúp NCT có cuộc sống ổn định, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm quý báu trong phát triển đất nước. Nhưng trước hết, mỗi công dân cần nâng cao nhận thức, tự đầu tư để phát triển và tích lũy cho bản thân và gia đình.
Tăng tuổi thọ là thành tựu to lớn về y tế và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Để chủ động thích ứng, đón đầu thời kỳ dân số già, tận dụng nguồn lực NCT quý giá về kinh nghiệm, tri thức xã hội để xây dựng đất nước cần có sự hành động của cả cộng đồng, xã hội để NCT ngày một khỏe mạnh, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.