(HNM) - Một mùa lễ hội (LH) mới lại về trên khắp mọi miền đất nước. Đến thời điểm này, các địa phương cũng đã bắt tay chuẩn bị cho LH Xuân Giáp Ngọ công phu, chu đáo, tiết kiệm, hứa hẹn một mùa LH mới bớt đi những điều
Khắc phục lãng phí, xử lý nghiêm vi phạm
So với hơn 8.000 LH ở Việt Nam, LH Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) tuy không kéo dài nhưng tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn phức tạp bậc nhất. Chuẩn bị cho LH Xuân Giáp Ngọ, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng bàn giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế của những mùa LH trước; đồng thời mở rộng không gian sinh hoạt văn hóa. Trên tinh thần đó, lễ rước nước, tế cá nhằm tri ân công lao của triều đại nhà Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt sẽ được khôi phục.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hứa hẹn một mùa lễ hội nhiều đổi mới. Ảnh: Gia Hiếu |
Không đến mức "căng" như LH Đền Trần, song LH chùa Hương tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) kéo dài nhất cả nước - một trong số ít LH cũng còn nhiều việc cần chấn chỉnh. Hướng tới mùa LH trật tự, văn minh, huyện Mỹ Đức và các ngành chức năng đã đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, dựng cổng Hang Vò vào chùa Hương nối với tuyến đường bê tông dài 7km từ Phủ Lý (Hà Nam) chạy lên nhằm hạn chế ách tắc khu vực cổng Tiên Mai; xây dựng lò hóa rác khu vực Thung Cháu để xử lý rác ở động Hương Tích; xây mới trạm kiểm tra vé tại bến Thiên Trù… Hệ thống hàng quán, dịch vụ không được bày bán ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu, không được quảng cáo, treo bán thực phẩm tươi sống… Tương tự, LH Yên Tử năm 2014 sẽ được tăng cường lực lượng an ninh, trật tự; nghiêm cấm bán hàng rong, dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động; niêm yết công khai giá cả các loại hình dịch vụ… Hàng nghìn LH khác trên khắp mọi miền đất nước cũng đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng khai hội vào dịp đầu xuân.
Từng bước khắc phục những hình ảnh phản cảm cũng như sự lãng phí trong LH, Bộ VH,TT&DL đã có Văn bản số 25/BVHTTDL-VHCS ngày 7-1 yêu cầu các địa phương quản lý, sử dụng hợp lý tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, LH, tín ngưỡng; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra dịch vụ đổi tiền lẻ, thực hiện nếp sống văn minh trong LH. Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc cho biết, trong mùa LH 2014, Thanh tra Bộ sẽ có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Thay bằng lập biên bản nhắc nhở các sai phạm, Thanh tra Bộ sẽ phạt hành chính các vi phạm theo Nghị định 158. Bên cạnh đó, Bộ sẽ duy trì tần xuất thanh tra, kiểm tra các LH trước và sau Tết Nguyên đán như đã làm trong năm 2013.
Cần có tư duy sáng tạo, khoa học
Không thể phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương trong việc đưa công tác quản lý, tổ chức LH vào nền nếp. Nhưng trước mỗi mùa LH, dư luận không khỏi băn khoăn về việc xác định rõ vai trò chủ thể của LH, để từ đó xây dựng mô hình quản lý phù hợp.
Tại hội nghị tổng kết công tác LH năm 2013 do Bộ VH,TT&DL tổ chức mới đây, một số ý kiến cho rằng, LH ngày nay thường được tổ chức với quy mô lớn, số lượng người tham gia đông nên không thể không có sự tham gia của các cấp quản lý. Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai Trần Hữu Sơn phản ánh: "LH ngày nay đã thay đổi nhiều, quy mô mở rộng hơn chứ không gói gọn trong làng xã như xưa nữa. Công tác quản lý vì thế phải thuận theo sự thay đổi đó chứ không thể áp đặt ý muốn chủ quan của nhà quản lý hay nhà khoa học. Lâu nay, cụm từ "lễ hội là của dân, trả lại cho dân" vẫn được các nhà nghiên cứu và giới truyền thông nhắc đến, nhưng LH nhỏ cũng có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia, vậy trả lại cho dân thì trả lại thế nào, dân làm sao mà quản lý được"(?). Theo ông Trần Hữu Sơn, LH phải có ban tổ chức, chính quyền phải tham gia, phải có sự kết hợp giữa chính quyền và người dân, trong đó người dân là chủ thể quan trọng nhất.
Ủng hộ quan điểm không để người dân tham gia vào mọi khâu tổ chức LH, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa Mai Tư dẫn chứng: "Thanh Hóa đã đầu tư 600 triệu đồng thí điểm mô hình "trả cho dân" LH Lam Kinh. Sau LH, số tiền đầu tư "mất trắng" vì người dân mang trang phục đi làm giẻ lau, trống chiêng, đạo cụ không có người quản lý bị hư hỏng nặng, người được tập huấn về LH lại bỏ đi làm ăn khắp nơi. Đó là sự lãng phí".
Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng LH nhất thiết phải có sự tham gia, can thiệp của Nhà nước, nhiều ý kiến khác khẳng định LH được sinh ra từ cộng đồng, do cộng đồng gìn giữ, phát huy thì hãy để cộng đồng quản lý. Trên thực tế, hầu hết các LH đều do Nhà nước và cộng đồng cùng tổ chức, quản lý, nên khó có thể xác định một cách rạch ròi Nhà nước hay người dân là chủ thể tổ chức, quản lý LH. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: "Tổ chức, quản lý LH là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp tới đời sống dân cư, đặc biệt đời sống tinh thần. Mỗi LH có sự tác động tới đời sống xã hội một cách khác nhau, sự biến tướng khác nhau, ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa về LH cũng có những chỗ không giống nhau. Vì thế quản lý, tổ chức LH cần có tư duy sáng tạo, khoa học để phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh của các tầng lớp nhân dân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.