Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cao nhất bảo đảm an sinh xã hội

Hà Hiền| 16/08/2021 06:35

(HNM) - Mục tiêu xuyên suốt của việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 là phải bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, không trùng lặp và tránh bỏ sót. Tuy nhiên, do quá trình triển khai chính sách tại Hà Nội đúng vào thời gian giãn cách xã hội, nên vượt lên tất cả, các cấp, ngành, địa phương toàn thành phố đã nỗ lực cao nhất để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Mầm non Đức Trí, phường Phúc La (quận Hà Đông) phải tạm nghỉ việc không hưởng lương được nhận hỗ trợ với số tiền hơn 3,7 triệu đồng.

Triển khai linh hoạt

Hà Nội đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng linh hoạt, đề cao tính đặc thù, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện. Điều này được quy định chi tiết tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tùy từng nhóm đối tượng, mỗi người lao động sẽ nhận được số tiền hỗ trợ trực tiếp 1,5-4,7 triệu đồng hoặc được hưởng các chính sách ưu đãi về bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề... Số tiền hỗ trợ trực tiếp tuy không lớn, nhưng ở thời điểm hiện nay, đã góp phần giúp nhiều người, gia đình có thêm một khoản để trang trải cuộc sống.

Đón nhận số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng dành cho lao động tự do bị mất việc làm cách đây ít ngày, anh Lê Minh Thư, ở thôn Tân Phong, xã Phong Vân (huyện Ba Vì) xúc động nói: “Tôi đã có tiền để mua lương thực cho gia đình, mua thuốc cho vợ”. Theo lời kể, anh Thư làm nghề cắt tóc với mức thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh, được dùng để trang trải cho các sinh hoạt thường nhật và điều trị cho vợ bị tai biến.

Trường hợp khác đã nhận tiền hỗ trợ là chị Nguyễn Thị Trang, đến từ tỉnh Thanh Hóa, hiện là giáo viên Trường Mầm non Đức Trí, phường Phúc La (quận Hà Đông). “Số tiền hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng dành cho lao động nghỉ việc không hưởng lương mà tôi nhận được có ý nghĩa rất lớn. Nguồn hỗ trợ này, vừa góp phần giúp cuộc sống của tôi bớt khó khăn, vừa mang đến cho tôi niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, chị Trang bộc bạch.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến thời điểm này, toàn thành phố đã có hơn 1,5 triệu người lao động được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ với nguồn kinh phí hơn 200 tỷ đồng, trong đó hàng vạn người đã nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.

Việc đưa nguồn lực hỗ trợ đến với người thụ hưởng trong bối cảnh toàn thành phố đang giãn cách xã hội là điều không dễ, nên tất cả các đơn vị liên quan đã nỗ lực cao nhất để triển khai kịp thời, đúng người, đúng đối tượng. Ở cấp cơ sở, các xã, phường, thị trấn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Lâm Văn Thảo cho biết, cán bộ cơ sở, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng của phường đến tận nhà người dân để rà soát trường hợp thuộc diện thụ hưởng, giúp họ khai hồ sơ nhận hỗ trợ, nhất là với nhóm lao động tự do bởi đa số lao động tự do không biết cách làm thủ tục đề nghị hỗ trợ. Không để người lao động phải chờ đợi lâu, ngay sau khi có quyết định hỗ trợ, đa số các địa phương đã trao kinh phí tại nhà cho người thụ hưởng.

Chủ động gỡ vướng, bổ sung nhiều chính sách đặc thù

Do toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, nên một số địa phương gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng. Để gỡ vướng với nhóm lao động tự do, ngày 13-8, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 2644/UBND hướng dẫn các địa phương tiếp nhận hồ sơ của nhóm này bằng nhiều hình thức (trực tiếp, qua bưu điện, email...). Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh, quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tự do dễ dàng tiếp cận với chính sách, nên thời gian tới, nguồn lực hỗ trợ chắc chắn sẽ đến với nhiều người hơn. Các chính sách khác khó triển khai như hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV... cũng được các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ. 

Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Hà Nội còn bổ sung các chính sách đặc thù khác, nhằm hỗ trợ cấp bách cho các trường hợp khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đó là việc trao quà, tặng tiền mặt cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19; xây dựng mô hình “Chợ 0 đồng”; tổ chức các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” tại nhiều địa điểm... Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội huy động nguồn xã hội hóa để trao 863 suất quà với tổng kinh phí gần 259 triệu đồng cho người lao động ngoại tỉnh hiện đang cư trú tại quận Hoàn Kiếm; tặng quà và tiền mặt trị giá 800.000 đồng cho 10 lao động tự do đến từ tỉnh Điện Biên, bị “kẹt” tại huyện Chương Mỹ. Tương tự, các quận, huyện: Tây Hồ, Hà Đông, Đống Đa, Hoài Đức, Đan Phượng... cũng đã chuyển nguồn lực hỗ trợ đến hàng nghìn lao động ngoại tỉnh.

Ngoài các chương trình, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội đã, đang triển khai, HĐND thành phố ngày 13-8 đã ban hành thêm 3 nghị quyết đặc thù hỗ trợ các trường hợp ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; đồng thời thống nhất với đề xuất của UBND thành phố bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền là 500 tỷ đồng.

Như vậy, đến thời điểm này, các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Hà Nội đã được khẩn trương triển khai, bao quát nhiều mặt của đời sống xã hội, hỗ trợ tích cực cho nhiều đối tượng được thụ hưởng vượt qua khó khăn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cao nhất bảo đảm an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.