Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách đi xe buýt

Tuấn Lương| 17/11/2021 08:27

(HNNN) - Dù mới được phép thí điểm hoạt động trở lại sau thời gian dài phải tạm dừng phục vụ do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, song công tác tổ chức vận hành các tuyến buýt của Thủ đô vẫn bảo đảm an toàn, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Để những chuyến xe buýt an toàn, công tác phòng, chống dịch luôn được thực hiện nghiêm ngặt.

Nhớ lắm những cung đường

Từ ngày 24-7-2021, toàn bộ các phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) cho biết, dù phải “nằm bãi” do ảnh hưởng của dịch bệnh, song đoàn phương tiện của xí nghiệp vẫn thường xuyên được bảo dưỡng, vận hành tại chỗ để luôn trong tình trạng sẵn sàng ra tuyến phục vụ nhân dân ngay khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Sẵn sàng cũng là trạng thái chung của các đơn vị trực thuộc Transerco.

Sau hơn 2,5 tháng tạm dừng, toàn thể cán bộ, nhân viên, lái xe các đơn vị vận hành buýt của Hà Nội đón tín hiệu vui khi Thành phố cho phép xe buýt được thí điểm hoạt động trở lại kể từ ngày 14-10-2021. Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong giai đoạn đầu này, xe buýt hoạt động với 50% biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt; thực hiện giãn cách hành khách, vận chuyển không quá 50% số chỗ (đứng, ngồi) trên xe và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả tài xế và nhân viên phục vụ trên xe).

Ngay từ 4h ngày 14-10-2021, đội ngũ công nhân kỹ thuật, lái xe, nhân viên bán vé... đã có mặt tại các địa điểm tập kết phương tiện, hối hả chuẩn bị cho việc hoạt động trở lại. Anh Ngô Kim Tuyến, nhân viên lái xe của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội (trực thuộc Transerco), chạy tuyến 100 (Long Biên - Khu đô thị Đặng Xá) phấn khởi cho biết, những ngày phải nghỉ dịch vừa qua, anh em lái xe, nhân viên bán vé rất nhớ xe, nhớ những cung đường hằng ngày phục vụ nhân dân. Mọi người đều mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để xe buýt lại được “rộn ràng” lăn bánh.

Không chỉ có những người làm xe buýt vui mà đông đảo hành khách cũng rất mong chờ xe buýt. Bà Nguyễn Thị Châu Anh (số 6 phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Những người hưu trí như chúng tôi được Thành phố quan tâm cho hưởng chính sách đi xe buýt miễn phí. Cứ mỗi cuối tuần lại lên xe buýt đi thăm con cháu và các bạn già. Giai đoạn không có xe buýt, việc đi lại rất khó khăn. Dù xe buýt chỉ được hoạt động với 50% công suất so với trước đây nhưng như thế đã là mừng rồi!”.

Để những chuyến xe buýt lăn bánh an toàn, công tác phòng, chống dịch được Transerco và các đơn vị trực tiếp vận hành thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội) cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Ngoài việc phải hoạt động với 50% công suất, vận chuyển không quá 20 người tại cùng một thời điểm (kể cả lái xe và nhân viên bán vé), trên mỗi xe đều dán QR Code để hành khách khai báo y tế với ứng dụng PC-Covid; bố trí dung dịch sát khuẩn. Sổ thông tin hành khách đi xe được cập nhật thường xuyên. Cứ cách mỗi ghế lại được dán thông báo để hành khách không ngồi vào, bảo đảm giãn cách. Toàn bộ phương tiện được phun khử khuẩn và vệ sinh sạch sẽ trước và sau mỗi ngày hoạt động, đặc biệt là tại các vị trí như ghế ngồi, kính, tay nắm... Hành khách và nhân viên xe buýt đều phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình.

Sẽ điều chỉnh bất cập song phải thận trọng

Nếu như trong những ngày đầu mới thí điểm hoạt động trở lại lượng khách còn thưa thớt thì đến nay, trên nhiều tuyến buýt, đặc biệt là các tuyến trục chính, lượng khách đã đông hơn rất nhiều.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong các giờ cao điểm, trên nhiều tuyến có nhiều xe phải từ chối khách vì đã chở đủ số người theo quy định phòng dịch. Còn trong giờ bình thường, một số tuyến buýt trên các trục đường chính như Thanh Xuân - Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) hoặc trục đường Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu - Nhổn, lượng khách rất đông và nhiều khách phải chờ 2 - 3 lượt xe, thậm chí lâu hơn mới được lên xe. Trong khi tần suất hoạt động hiện nay đều từ 15 - 30 phút/lượt xe chứ không phải 5 - 10 phút/lượt xe như trước đây nên hành khách rất vất vả chờ đợi.

Để kết nối thuận tiện với các ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã bố trí, điều chỉnh 65 điểm dừng dọc lộ trình tuyến, trong đó bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m. Có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) có 16 tuyến buýt kết nối, ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, ước tính sẽ có khoảng 15 - 20% người dân chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến. 

“Tôi nghĩ rằng, với các tuyến còn vắng khách thì có thể giữ nguyên tần suất hoạt động như hiện nay. Còn với những tuyến có nhu cầu cao như tuyến 01 (Bến xe Gia Lâm - Bến xe Yên Nghĩa), 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa), 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình)... nên điều chỉnh tăng tần suất bởi nếu phải chờ 2 - 3 lượt mới được lên xe thì các điểm dừng xe buýt lại trở thành nơi tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch” - ông Trần Văn Khánh (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Văn phòng Transerco cho biết, cùng với sự hoạt động trở lại của các tuyến buýt trên địa bàn thành phố thì các điểm bán vé của Transerco cũng đã mở cửa lại kể từ ngày 15-10-2021 để phục vụ hành khách. Đường dây tổng đài của Transerco liên tục tiếp nhận rất nhiều ý kiến của hành khách phản ánh mong muốn các tuyến buýt sẽ tăng thêm tần suất và thời gian phục vụ để người dân thuận tiện hơn khi đi lại.

Liên quan đến bất cập này, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thừa nhận, do yêu cầu về giãn cách trên xe để phòng chống dịch (xe chỉ chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/ xe tại một thời điểm) và dịch vụ thưa từ 15 - 60 phút/lượt tùy theo từng tuyến (do chỉ vận hành 50% công suất) nên nhiều trường hợp hành khách phải chờ lâu.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và các đơn vị vận hành chủ động bố trí phương tiện dự phòng, sẵn sàng giải tỏa hành khách khi có yêu cầu, bố trí biểu đồ bảo đảm tăng tần suất vào giờ cao điểm, giảm tần suất vào giờ thấp điểm.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội tiếp tục theo dõi, tổng hợp, đề xuất báo cáo Sở điều chỉnh tăng dịch vụ các tuyến buýt khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, theo Thông báo số 724/TB-UBND ngày 29-10-2021 của UBND thành phố Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, hiện Hà Nội đang ở cấp độ dịch 2. Do vậy, việc điều chỉnh tăng dịch vụ xe buýt trong thời điểm hiện nay cần phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách đi xe buýt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.