Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ đọng xây dựng cơ bản: Giải quyết dứt điểm

Nguyễn Mai| 25/09/2015 07:13

(HNM) - Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương huy động một lượng vốn lớn nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ bản (XDCB). Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng xảy ra ở rất nhiều nơi, để lại không ít hệ lụy...


1.367,9 tỷ đồng - tổng số tiền nợ đọng của 6 huyện

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, là xã điểm xây dựng NTM của trung ương. Được triển khai đầu tiên, từ năm 2009 đến hết năm 2013, Thụy Hương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Tuy vậy, đến nay, xã vẫn nợ XDCB hàng chục tỷ đồng mà chưa biết đến khi nào mới trả được. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Đặng Ngọc Hùng, địa phương đang khổ sở vì mang tiếng "con nợ khó đòi" đối với nhiều doanh nghiệp. - Sau khi xây dựng NTM thành công, xã tôi nợ doanh nghiệp hơn 50 tỷ đồng, hiện vẫn còn 41 tỷ đồng.

Nguyên nhân là khi triển khai xây dựng NTM, để thi công các công trình xây dựng cơ bản như trường, trạm, đường giao thông, kênh mương... các doanh nghiệp ứng vốn trước để thi công. Tuy nhiên, xã không có nguồn thu để trả, trong khi đất đai "đóng băng" không đấu giá được. - Ông Đặng Ngọc Hùng cho biết, đồng thời kiến nghị cần có cơ chế tháo gỡ.

Một số địa phương đang gặp khó khăn trong giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Ảnh: thái hiền


Không riêng gì Thụy Hương, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Tài chính, NN&PTNT tổ chức đoàn công tác làm việc, rà soát tình hình nợ XDCB với các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Phú Xuyên. Theo kết quả kiểm tra, tổng số nợ XDCB tại 6 huyện này là 1.367,9 tỷ đồng; trong đó, nợ XDCB nguồn vốn tập trung là 412,6 tỷ đồng, nợ các dự án đào đắp kênh mương, thủy lợi nội đồng và nông thôn mới 955,3 tỷ đồng. Cụ thể, huyện Chương Mỹ có tổng nợ hơn 69 tỷ đồng; huyện Ba Vì có tổng nợ 216 tỷ đồng; huyện Quốc Oai nợ 477,2 tỷ đồng; huyện Ứng Hòa nợ 311,9 tỷ đồng; huyện Phúc Thọ nợ 88,1 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên nợ 205,3 tỷ đồng.

Hướng tháo gỡ

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết: Theo Luật Đầu tư công, nợ XDCB là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó". Căn cứ các quy định hiện hành thì "tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng XDCB".

Theo báo cáo và kiểm tra tại các địa phương, nguyên nhân dẫn đến nợ XDCB chủ yếu do các huyện làm vượt kế hoạch vốn giao. Đối với đào đắp kênh mương, thủy lợi nội đồng khi dồn điền đổi thửa và xây dựng NTM, căn cứ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012, ngân sách thành phố đã hỗ trợ đủ 50% (14,4 triệu/ha), phần còn lại thuộc ngân sách huyện và xã. Như vậy, nợ ở đây do ngân sách huyện, xã chưa huy động và bố trí đủ để trả khối lượng hoàn thành đào đắp kênh mương thủy lợi nội đồng (ngân sách huyện 20%; phần còn lại ngân sách xã và các hộ dân). Do vậy, phần nợ này UBND các huyện, các xã phải chịu trách nhiệm.

Đối với kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng và đường giao thông thôn, xóm, ngân sách thành phố hỗ trợ sau đầu tư 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện; ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%; các khoản chi còn lại do ngân sách xã thực hiện và huy động đóng góp của các hộ dân. Hiện, Sở NN&PTNT đang được UBND thành phố giao nghiên cứu, đề xuất trình UBND thành phố điều chỉnh Quyết định số 16 và ban hành kế hoạch thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng (gắn với dồn điền đổi thửa) giai đoạn 2016-2018. Do vậy, ngân sách thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ để các huyện, xã thanh toán khối lượng làm vượt kế hoạch, làm trước chỉ đạo.

Về hướng tháo gỡ đối với phần nợ XDCB đến năm 2015, ông Phạm Văn Khương đề xuất: Các huyện dành toàn bộ tiền vượt thu và thưởng vượt thu mà ngân sách thành phố bố trí cho huyện để trả nợ. Bên cạnh đó, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2015 theo hướng kiên quyết đình, hoãn, giãn các dự án chưa thực sự bức xúc và dự án chậm giải ngân để bố trí trả nợ. Với các dự án tiếp tục thực hiện trong năm 2015, rà soát, điều chỉnh giảm quy mô, kết cấu, phân kỳ đầu tư, giành vốn để trả nợ.

Tăng cường đẩy mạnh thu ngân sách huyện thông qua đấu giá đất theo hướng chỉ làm hạ tầng tối thiểu để giảm suất đầu tư, rà soát xử lý tồn tại về đất để bổ sung nguồn vốn xử lý dứt điểm nợ XDCB trong năm 2015… Trường hợp các huyện đã sử dụng hết các giải pháp trên nhưng vẫn chưa đủ để trả nợ XDCB, thành phố sẽ xem xét phương án cho các huyện vay để trả hết nợ trong năm 2015 và sẽ khấu trừ vào nguồn vốn XDCB mà thành phố phân cấp cho các huyện, thị xã năm 2016.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ đọng xây dựng cơ bản: Giải quyết dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.