(HNM) - Doanh nghiệp chây ỳ không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động (NLĐ). Số nợ, đọng BHXH, BHYT năm sau cao hơn năm trước, thế nhưng BHXH nhiều tỉnh, thành phố lại không làm tròn được vai trò của tổ thu nợ liên ngành. Việc khởi kiện các đơn bị nợ BHXH chưa được quan tâm đúng mức.
ÔNG Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua tình trạng chậm đóng, nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương, vi phạm và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ nhưng BHXH nhiều tỉnh, thành phố chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục. Năm 2011, tổng số nợ BHXH, BHYT lên tới hơn 3.922 tỷ đồng (tăng 33,84% so với số nợ năm 2010), trong đó nợ BHXH hơn 3.338 tỷ đồng (tăng 31% so với năm 2010), nợ BHYT hơn 584 tỷ đồng (tăng 52,66% so với năm 2010). Nhiều doanh nghiệp dù bị nhắc nhở rất nhiều lần nhưng vẫn chây ỳ, không đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Không chỉ nợ BHXH mà rất nhiều doanh nghiệp còn trốn đóng BHXH khiến quỹ BHXH ở nhiều tỉnh, thành phố lâm vào cảnh bội chi.
Các cơ quan chức năng cần có những chế tài xử phạt thích đáng với doanh nghiệp chây ỳ trong việc đóng tiền bảo hiểm cho người lao động. |
Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam, hầu hết những doanh nghiệp chây ỳ không đóng bảo hiểm cho NLĐ do chỉ muốn thu lợi nhuận tối đa, không quan tâm đến quyền lợi của NLĐ. Luật quy định, nếu người sử dụng lao động vi phạm Luật BHXH sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nộp đủ, đúng số tiền còn thiếu theo quy định, cộng với tiền lãi ngân hàng số tiền nộp chậm. Nếu vi phạm với số lượng lớn, thời gian dài có thể bị khởi kiện tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện tương đối phức tạp và nhiều doanh nghiệp thiếu hợp tác, gây khó khăn. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nợ BHXH có mặt ở hầu hết các địa phương nhưng năm 2011 mới chỉ có 21 BHXH địa phương khởi kiện. "Doanh nghiệp không nộp BHXH tức là không nộp BHYT vì hai chế độ này luôn đi kèm khi thu. Vì vậy, khi doanh nghiệp không nộp BHXH, NLĐ cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào dành cho mình", ông Liệu nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong ngành BHXH lý giải nguyên nhân chính của tình trạng nợ và chậm đóng BHXH là do chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chưa đủ mạnh; cơ quan BHXH chưa được giao chức năng thanh tra và xử phạt các đơn vị vi phạm. Việc chấp hành quyết định xử phạt chưa nghiêm và lãi suất chậm nộp quy định thấp hơn lãi vay ngân hàng, các ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc trích từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để đóng theo quy định, đã tạo điều kiện để doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ... Để giải quyết các vấn đề này, trước hết cần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ. UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nợ BHXH. Ngoài ra, cũng cần sửa đổi những bất cập trong chế tài xử phạt vừa nhẹ, vừa không thường xuyên như hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2012, BHXH Việt Nam đưa ra 7 giải pháp để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Riêng vấn đề nợ, đọng BHXH, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra và phối hợp thanh tra liên ngành việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan BHXH sẽ tăng cường khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, nâng cao hiệu quả của tổ thu nợ... Với những giải pháp đó, BHXH Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được bài toán nợ đọng bảo hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.