Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ đẩy dầu trượt dốc

Vân Khanh| 17/05/2010 06:56

(HNM) - Là chất xúc tác đẩy giá vàng phi mã tới những kỷ lục mới trong mấy ngày qua, cơn

Dầu trượt giá khi các món nợ công tại châu Âu mở rộng vòng xoáy.


Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng trong tuần qua, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 6 hạ 78 cents, tương đương 1,1%, xuống còn 73,62 USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange. Trong khi đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 6 mất 39 cents, còn 79,72 USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe Exchange. Đà sụt giảm khó hãm đã nhanh chóng xóa đi những bước tăng của giá vàng đen vào thời điểm kế hoạch giải cứu châu Âu được công bố. Khi ấy, niềm hứng khởi của các nhà đầu tư được tiếp sức bởi hy vọng sự vào cuộc của cả Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ giúp chặn đứng "căn bệnh" nợ công đang có nguy cơ lây lan thành một đại dịch tại lục địa già.

Tuy nhiên, những nghi ngờ về hiệu quả thực sự của gói cứu trợ khổng lồ gần 1.000 tỷ USD đã thách thức niềm tin của giới đầu tư, dẫn tới sự chao đảo của thị trường nhiên liệu trong vài ngày qua. Những phiên giao dịch trầm lắng chứa đầy nỗi lo nợ khó trả cho thấy rõ mối quan ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ tốc độ hồi phục của nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới sẽ bị đẩy lùi bởi làn sóng thâm hụt ngân sách đang hoành hành tại châu Âu. Lý do này cũng được nhìn nhận như là lực cản chính đối với nỗ lực phục hồi của giá dầu trong những ngày tới.

Việc giá vàng đen quay đầu thoái lui sau một thời gian duy trì ở mức giá quanh ngưỡng 80 USD/thùng còn được "hỗ trợ" bởi đà đi xuống của đồng euro, đặc biệt khi đồng tiền chung châu Âu rơi xuống mức đáy của 14 tháng so với USD vào cuối tuần qua. Điều này nhấn chìm sức hấp dẫn đối với thị trường hàng hóa do thu hẹp năng lực mua đối với giới cầm tiền. Rõ ràng, dầu thô đang có những bước dịch chuyển cùng chiều với euro và sẽ khó có đột phá nếu Eurozone không thể tức thời chấn hưng đồng tiền của khu vực trước xu hướng mở rộng đà đi lên của USD.

Bên cạnh đó, những kho dự trữ đang căng phồng tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất hành tinh cũng đã tạo áp lực lên các hợp đồng dầu gần đây nhất. Thông báo của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ cho biết, lượng dầu tồn kho của nước này trong tuần trước tăng thêm 1,95 triệu thùng, lên mức kỷ lục 362,5 triệu thùng, cao nhất trong vòng 1 năm nay, lại dội thêm gáo nước lạnh vào tâm trạng đang đầy bất an của giới đầu tư. Nhu cầu năng lượng suy yếu tại đầu tàu kinh tế thế giới càng trở nên rõ ràng hơn khi các khu chế xuất tại Mỹ bất ngờ quyết định cắt giảm công suất lần đầu tiên trong vòng 8 tuần trở lại đây và chỉ hoạt động với 88,4% công suất thực tế. Ngoài ra, tuyên bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE) hạ thấp mức dự đoán tiêu dùng dầu thô trong năm nay đã cộng hưởng với các yếu tố cơ bản không mấy sáng sủa của thị trường nhiên liệu, khiến giá dầu không thoát khỏi thế thoái lui.

Vàng tăng giá với tốc độ chóng mặt do lo ngại lạm phát, chứng khoán bấp bênh luôn trong tình trạng bán tháo vì rủi ro lớn, dầu mỏ mất giá thê thảm bởi triển vọng phục hồi kinh tế thấp là những mảng màu không mấy tươi sáng mà cuộc khủng hoảng nợ châu Âu mang lại cho bức tranh kinh tế toàn cầu. Mặc dù có thể lạc quan rằng giá dầu sẽ sớm vượt qua những thử thách hiện nay, song với những gì đang diễn ra thì một thực tế không dễ phủ nhận rằng triển vọng tăng trưởng của thị trường nhiên liệu sẽ khó bền vững nếu cơn túng quẫn mang tên Hy Lạp tiếp tục lây lan đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… vẫn tiếp tục là gánh nặng của châu Âu. Con tàu kinh tế thế giới vẫn đang trên hành trình vượt bão đầy khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ đẩy dầu trượt dốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.