Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ công: Thách thức lớn ở xứ Sương mù

Đình Hiệp| 30/04/2013 10:37

(HNM) - Dù đã thoát rơi vào suy thoái lần thứ ba chỉ trong gần 5 năm trở lại đây sau khi đạt mức tăng trưởng cao hơn mong đợi trong quý đầu tiên của năm 2013, thế nhưng nền kinh tế Anh vẫn đang đối mặt với không ít thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đang lan rộng.

Chưa rơi vào tình cảnh "thắt lưng buộc bụng" để nhận sự trợ giúp của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế như nhiều nền kinh tế cùng Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nhưng với tổng nợ công hiện lên mức 1.897,3 tỷ USD - tương đương 75,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - đang khiến thần dân đảo quốc Sương mù lo ngại.

Kinh tế Anh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.


Số liệu mới nhất của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy, GDP quý I của nước này tăng 0,3% so với quý trước khi ngành dịch vụ - ngành chủ lực đóng góp tới 75% GDP - đã tăng trưởng tới 0,6%; đồng thời sản lượng khai thác dầu khí ở Biển Bắc cũng phục hồi mạnh mẽ. Cho đây là một dấu hiệu đáng khích lệ chứng tỏ nền kinh tế nước này trên đà phục hồi, Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã chỉ ra một số nguyên nhân khác cũng góp phần giúp nền kinh tế Anh thoát rơi vào suy thoái. Đó là nhờ thâm hụt ngân sách giảm hơn 30% và thị trường việc làm cũng đang khởi sắc khi các doanh nghiệp tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm mới và lãi suất ngân hàng được duy trì ở mức thấp kỷ lục 0,5% kể từ tháng 3-2009 đến nay...

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế láng giềng trong Eurozone đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng, mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn (dù chỉ 0,3%) của London cũng góp phần đáng kể nhằm giảm bớt áp lực lên chính phủ của Thủ tướng David Cameron. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng mong manh này chỉ khích lệ về tâm lý cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, còn thực tế bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Anh vẫn không có gì thay đổi. Quá trình phục hồi kinh tế của xứ Sương mù vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới khi thu nhập thực tế của các hộ gia đình tiếp tục giảm và các nhà hoạch định chính sách vẫn phải tìm cách đẩy mạnh hoạt động cho vay của ngân hàng để phá vỡ thế bế tắc do bức tường nợ công ở phía trước.

Lo ngại của người Anh là có cơ sở khi hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch mới đây đã hạ mức tín nhiệm triển vọng kinh tế - tài chính yếu kém của Anh từ AAA xuống AA+. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn thứ hai này buộc phải đưa ra đánh giá trên sau khi Hãng Moody's cũng hạ một bậc tín nhiệm nợ công của Anh từ AAA xuống Aa1 hồi tháng 2 vừa qua do sự tăng trưởng chậm và gánh nặng nợ công ngày càng lớn của nước này. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Anh từ 1% xuống 0,7% trong năm nay và từ 1,8% xuống 1,5% trong năm 2014. Như vậy, Anh là nước bị IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nhiều nhất so với các nền kinh tế hàng đầu khác trên thế giới như Mỹ, Italia và Tây Ban Nha...

Như vậy, dù chưa rơi vào vòng xoáy nợ nần như nhiều nền kinh tế Eurozone, nhưng thách thức mà đảo quốc Sương mù phải đối mặt là không nhỏ. Theo IMF, chỉ nới lỏng chính sách tiền tệ là chưa đủ mà các nền kinh tế - trong đó nước Anh cần có các kế hoạch đáng tin cậy để cân bằng ngân sách theo thời gian và những cải cách hữu hiệu về chính sách tài chính để có thể tăng hiệu quả của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương từ Mỹ, Anh đến Eurozone và Nhật Bản… đưa ra đến nay xem ra vẫn chưa thể giúp các nền kinh tế hàng đầu thế giới phục hồi vững chắc.

Theo Moody's, nợ công của Anh ở mức cao như hiện nay trong khi tỷ lệ tăng trưởng lại quá yếu nên London khó có thể đảo ngược xu thế đi xuống cho đến năm 2016. Trong bối cảnh đó, để vượt qua khó khăn, theo IMF, nước Anh sẽ phải áp dụng thêm nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khai thông thêm nguồn vốn được cho là đang đổ về các khoản vay thế chấp hơn là đầu tư cho khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo thêm việc làm, kích thích hơn nữa sự chi tiêu trong dân chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ công: Thách thức lớn ở xứ Sương mù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.