Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ công tăng nhanh, khoảng 61,3% vào cuối năm 2015

Bảo Hân| 20/10/2015 11:41

(HNMO)- Sáng 20/10, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng


Báo cáo của Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.

Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh. Tổng thu NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp, chỉ bằng 55,7% và 70,5% dự toán năm, chủ yếu do giá dầu thô và giá của một số mặt hàng xuất nhập khẩu giảm mạnh. Tổng chi NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Bội chi NSNN ước khoảng 140,97 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.

Chính phủ cũng thẳng thắn báo cáo về những tồn tại, khó khăn của kinh tế - xã hội của đất nước. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hoá, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi….

Trên cơ sở đánh giá tình hình trong thời gian qua và triển vọng phát triển, căn cứ mục tiêu phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chính phủ hoạch định một số mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2016 với định hướng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Theo đó, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu 2016 với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%...

Đề nghị bội chi ngân sách nhà nước  dưới 5%

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên; khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân. 

Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng; xuất siêu doanh nghiệp FDI đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào tăng dự trữ ngoại hối và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay.

Với kết quả năm 2015 nhìn lại cho thấy, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đa số ý kiến cho rằng đã đạt một số kết quả quan trọng, góp phần làm cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực hơn nhưng vẫn chưa định hình rõ nét theo mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư: tính đến hết năm 2014 tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSNN khoảng 46.000 tỷ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỷ đồng.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả bước đầu, giảm dần số lượng các ngân hàng yếu kém. Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.

Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến cho rằng phục hồi của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như tiếp tục giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội hóa đầu tư vào khu vực dịch vụ công chưa nhiều sẽ dẫn đến giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, đề nghị bội chi ngân sách nhà nước là dưới 5%. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ công tăng nhanh, khoảng 61,3% vào cuối năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.