(HNM) - Tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, tình trạng thất nghiệp liên tục gia tăng, mối lo trĩu nặng về nguy cơ sụp đổ của thị trường tài chính... là những lý do khiến mùa hè của các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trôi qua một cách ảm đạm.
3 năm đã trôi qua kể từ khi "cơn bão" nợ "quật đổ" nền kinh tế Hy Lạp, đánh dấu cuộc đổ bộ kinh hoàng vào Cựu lục địa. Đến nay, dù rất nhiều cuộc họp đã được triển khai, rất nhiều biện pháp đã được các nhà lãnh đạo EU tung ra, song dường như căn bệnh thâm thủng của các "chúa chổm" ở Châu Âu không mấy được cải thiện. Đây vẫn là câu chuyện đáng quan tâm hàng đầu mà báo chí và dư luận thế giới nhắc đến hằng ngày.
Khủng hoảng nợ công khiến nhiều ngành sản xuất ở các nước EU điêu đứng. |
Tình trạng dường như nan giải hơn khi cách đây ít hôm, Cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh Châu Âu (EU) công bố số liệu cho thấy, nợ của 17 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vừa cán mức kỷ lục mới, chiếm tới 92,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực, so với mức 90,6% của quý trước và 88,2% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ công tại Hy Lạp - cái nôi của khủng hoảng - cũng tăng lên 160,5% GDP, tức là hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các quốc gia được liệt vào dạng "mắt xích yếu" của nền kinh tế khu vực như Italia, Ireland, Tây Ban Nha.
Thực ra, sự yếu kém của Eurozone không có gì là mới mẻ vì trong suốt 3 năm qua, nợ công Châu Âu chưa có lúc nào thuyên giảm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban Châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) áp đặt từ năm 2009 không giúp ích nhiều trong việc lành mạnh hóa nền kinh tế khu vực? Hay nói cách khác, hàng loạt quyết định cắt giảm việc làm và các dịch vụ xã hội, dẫn đến nạn thất nghiệp và nghèo đói đối với hàng chục triệu người trên khắp Châu Âu thời gian qua chả giúp giảm được bớt gánh nặng ngân sách. Thậm chí, đây còn là nguyên nhân làm gia tăng tâm lý ngờ vực ở các thành viên EU vì cho tới thời điểm này cắt giảm chi tiêu vẫn được coi là liệu pháp hữu hiệu nhất nhằm kiềm chế tốc độ lan tỏa của căn bệnh nợ nần. Sở dĩ, tác dụng phụ của liệu pháp chi tiêu kham khổ là các vấn đề xã hội vẫn chưa thực sự bùng phát mạnh thành khủng hoảng nghiêm trọng là do nhiều người vẫn còn hy vọng vào công dụng của nó. Tuy nhiên, không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra, một khi những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách này nhận ra rằng, những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu lâu nay không mang lại nhiều ý nghĩa.
Trong khi đó, tình trạng chán nản, mệt mỏi đang được ví như một loại virus mới phát tán nhanh chóng trong "ngôi nhà chung" 28 thành viên. Điều này hoàn toàn khác với sự hân hoan khi EU thành lập cách đây hai thập kỷ và sự ra đời đồng tiền chung euro vào năm 1999. Từ chỗ được coi như một thành tựu của sự hội nhập, niềm tự hào của châu lục, EU và đồng euro đang bộc lộ nhiều mặt trái. Việc thiếu hệ thống giám sát liên quốc gia để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng vĩ mô và kiểm tra tính trung thực của các dữ liệu, báo cáo của các quốc gia thành viên, thiếu các cơ chế hữu hiệu đối phó khủng hoảng đã đẩy EU đến trước một tương lai bất ổn chưa từng thấy.
Càng ngày, sức hấp dẫn của EU càng suy giảm trong con mắt của các lãnh đạo doanh nghiệp ngoài EU. Có thể thấy rõ xu hướng suy giảm tỷ trọng euro trong dự trữ ngoại tệ trên toàn cầu. Trong khi đó, người dân ở các quốc gia thành viên EU ngày càng tỏ ra nghi ngờ về sức mạnh vốn có của sự đồng nhất. Ngay như trường hợp của Croatia, quốc gia mới trở thành thành viên chính thức thứ 28 của EU ngày 1-7 vừa qua, chỉ có 39% cư dân Croatia tỏ ra vui mừng trước sự kiện này. Còn Anh - một thành viên sáng lập và là một trụ cột của EU cũng có kế hoạch trưng cầu dân ý về khả năng ở lại ngôi nhà chung vào năm 2015 sau khi có rất nhiều ý kiến thể hiện rõ sự lạnh nhạt đối với liên minh chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới. Rõ ràng, sự thất bại trong những mục tiêu củng cố sức mạnh kinh tế đã khiến mối ngờ vực và hoang mang về tính bền vững Eurozone ngày một lớn hơn. Tất nhiên Châu Âu sẽ không dễ dàng từ bỏ nỗ lực bảo vệ thành quả nhất thể hóa. Song, để thuyết phục người dân châu lục tiếp tục tin tưởng vào việc Eurozone sẽ mang lại thịnh vượng cho các thành viên không phải là chuyện dễ, chừng nào chưa có những tín hiệu hồi phục rõ ràng được phát đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.