(HNM) - "Phố xưa, nhà cổ mái ngói thâm nâu" từ lâu đã không thể thiếu trong ký ức và tâm hồn của mỗi người Hà Nội. Lúc đương chức, trong một cuộc họp bàn về phố cổ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nhận xét: "Sự tồn tại của phố cổ Hà Nội là một tất yếu khách quan, nếu như không có phố cổ thì không còn là Hà Nội".
Tạp chí National Geographic (Mỹ) đã xếp Phố cổ Hà Nội là một trong 110 điểm đến có giá trị lịch sử trên thế giới... Phố cổ chính là hồn cốt của đất Kinh kỳ - ngày xưa, hiện tại và mai sau vẫn vậy. Thế nhưng cái hồn cốt với vô vàn giá trị vật thể và phi vật thể ấy đang mai một theo thời gian.
"Ba sáu phố phường" đang oằn lên trước sức ép dân số và quá trình đô thị hóa với vô vàn mâu thuẫn. Phố cổ Hà Nội có gần 1.000 ngôi nhà xây dựng từ hơn 100 năm trước nhưng phần lớn đã hư hỏng hoặc bị cơi nới, sửa chữa tới mức biến dạng kết cấu kiến trúc. Mỗi số nhà là một hẻm tối hun hút với cả chục hộ dân sinh sống, có nơi như một "khu tập thể mi ni" ngót nghét 100 nhân khẩu. Theo điều tra mới nhất của UBND quận Hoàn Kiếm, mật độ dân cư ở "ba sáu phố phường" vào loại cao nhất trên thế giới (khoảng 84.000 người/1km2), chia trung bình mỗi người khoảng 12m2. Diện tích nhà ở trên đầu người còn thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 1,5-2m2/người.
Rõ ràng Phố cổ Hà Nội đang đối mặt với sức ép quá lớn. Với sự quan tâm thấu đáo, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã không ít lần về tận nơi nghe và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp việc giãn dân. Đây được xem là một phương cách tốt để bảo tồn và giải quyết các vấn đề nan giải trong lòng "ba sáu phố phường". Một đề án di dời 1.900 hộ dân sang Khu đô thị Việt Hưng đang được hình thành cùng những cơ chế mới và khoản kinh phí dự trù lên đến 4.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, giãn dân phố cổ phải có lộ trình nhưng hoàn toàn khả thi. Chủ trương di dân ra khỏi phố cổ cũng xuất phát từ mục tiêu giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân, nói một cách khác là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ban Quản lý phố cổ đã có những nghiên cứu rất cơ bản về nguyện vọng của những công dân "hàng phố". Nhiều cơ chế hỗ trợ về nhà cửa, chuyển đổi việc làm đã được đưa ra, rồi những trung tâm thương mại mới sẽ được xây dựng ngay trên khu đô thị mới để người dân vốn quen kinh doanh có "đất" làm ăn... Có thể nói rằng, Hà Nội đã dành những ưu tiên đặc biệt cho những công dân phố cổ.
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu đô thị mới Việt Hưng nhằm giãn dân phố cổ. Một dự án đã bị bỏ lửng gần 10 năm đã được khởi động lại trong dịp hướng tới ngày Đại lễ. Với một tâm thế mới, Hà Nội đang từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc, nhạy cảm trong lòng mỗi góc phố, mỗi nếp nhà và cả trong mỗi con người của phố cổ - nơi gìn giữ nhiều nét tinh hoa của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Thế nhưng không ít cư dân phố cổ không thiết tha với dự án. Điều này cũng dễ hiểu, bởi không dễ gì thay đổi thói quen sinh hoạt từ hàng chục năm nay. Thêm nữa, ở nơi "tấc đất tấc vàng", buôn bán nhì nhằng cũng đủ nuôi gia đình nên không phải ai cũng dễ dàng đánh đổi. Rồi vô vàn thứ khác được xem là niềm tự hào của công dân "hàng phố" mà không mấy ai muốn đánh mất... Thế nên dù phải vật lộn với những ngôi nhà đã và đang xuống cấp đến mức nguy hiểm, sự quá tải của cơ sở hạ tầng, người dân "ba sáu phố phường" vẫn kiên cường bám trụ. Điều đó đang vô tình trở thành lực cản sự phát triển của Hà Nội.
Hà Nội đang bước vào ngưỡng cửa ngàn năm, đất nước đang trên đường hội nhập sâu rộng với quốc tế. Cuộc sống đang tiếp nhận những giá trị mới và cả cung cách làm ăn mới. Người Hà Nội cũng đang dần thay đổi thói quen và nếp nghĩ để thích ứng với đời sống hiện đại. Một cuộc dời đổi cũng là cơ hội mới. Hơn nữa, chúng ta không nên, không thể cứ níu giữ thói quen vì cái lợi của riêng mình. Với sức ép và mức độ hủy hoại theo thời gian, mười năm, hai mươi năm, năm mươi năm nữa, gương mặt phố cổ Hà Nội sẽ ra sao?
Sự đồng thuận của người Hà Nội với dự án giãn dân phố cổ của thành phố chính là thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô với hiện tại, tương lai và những giá trị của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.