Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Níu chân” du khách bằng sản phẩm đa dạng, đặc thù

Linh Tâm| 03/07/2022 05:57

(HNMCT) - Là địa phương “giàu có” về tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng hay du lịch MICE (hội nghị, sự kiện), thế nhưng nhiều năm qua Hà Nội vẫn chỉ là điểm dừng chân trong hành trình của du khách đến với các địa phương khác.

Nguyên nhân là bởi sản phẩm du lịch của Hà Nội còn nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn và đặc biệt là không có nhiều điểm vui chơi giải trí, chất lượng dịch vụ còn khiêm tốn... Vì thế, việc phát triển, mở rộng các hoạt động về đêm tại các điểm di tích, khu phố đi bộ là giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giúp ngành Du lịch hồi phục, góp phần để kinh tế đêm “bứt tốc” hậu Covid-19.

Du khách tham gia tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" tìm hiểu các nghi thức hoàng cung. Ảnh: Linh Tâm

Không chỉ có "ăn tối, rối nước"

Nếu như nhiều năm trước, du khách đến với Hà Nội chỉ biết “ăn tối, rối nước”, tức là quanh quẩn với vài trải nghiệm nghèo nàn về đêm như đi thăm phố cổ, ăn tối, xem rối nước rồi... về đi ngủ, thì vài năm gần đây, du khách đã có thêm nhiều lựa chọn. Đó là các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật đường phố, khám phá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại các di tích hay mua sắm, thưởng thức ẩm thực... trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Sau khi được mở rộng, không gian này đã mang lại cho du khách những trải nghiệm phong phú, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, tiêu dùng của đa dạng đối tượng khách. Với lợi thế là “trung tâm của trung tâm” Thủ đô, lại có mật độ di tích dày đặc nên Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận càng có điều kiện để phát huy giá trị di sản gắn với du lịch, tạo thành một sản phẩm du lịch đặc sắc cho Hà Nội.

Được xây dựng và đưa vào thử nghiệm cách đây 2 năm, chương trình “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa” do Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist thực hiện đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước. Theo Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, nếu trước dịch Covid-19, khách tham quan là người nước ngoài chiếm 70%, thì nay, lượng khách chủ yếu là người Việt Nam, đặc biệt tỷ lệ các bạn trẻ cũng cao hơn trước. Hiện nay, khách đăng ký tour đã kín đến hết tháng 8-2022. 

Còn tại Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” mỗi tối cuối tuần đều thu hút khoảng 150 khách. Tại đây, du khách được tìm hiểu không gian Hoàng thành xưa, được thưởng thức điệu múa hoàng cung trên những dấu tích khảo cổ học hay tham quan Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Kết thúc tour, du khách sẽ xem trình chiếu bằng laser trên các nền móng dấu tích khảo cổ và tham gia trò chơi “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Anh Huỳnh Công Minh (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cùng cả gia đình tới Hà Nội, chia sẻ: “Mặc dù biết Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử nhưng tôi không thể tưởng tượng được chiều sâu cùng những giá trị văn hóa mà Thủ đô sở hữu cho tới khi tham gia tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Tôi vui vì mình đã đưa các con cùng gia đình ra Hà Nội lần này, để các con tôi biết và luôn tự hào vì mình là người Việt Nam”.

Dâng hương tưởng niệm các bậc tiên đế tại điện Kính Thiên - một hoạt động ý nghĩa trong tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long".

Sau một thời gian tạm dừng hoạt động, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn hiện cũng trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ. Theo bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, vào dịp cuối tuần, mỗi ngày, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn thu hút khoảng 1.000 lượt khách tham quan. “Chúng tôi mong muốn xây dựng một không gian văn hóa trên nền tảng di sản, mang những nét đặc trưng của Tây Hồ, qua đó thu hút du khách ngày một nhiều hơn. Đây chính là cách để phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, đồng thời góp phần phát triển kinh tế đêm như một cách định vị thương hiệu du lịch của Tây Hồ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thủ đô” - bà Phương nói.

Cùng với Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, trên địa bàn Hà Nội còn có Tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Thời gian tới, Thủ đô sẽ có thêm nhiều tuyến phố đi bộ khác như Phố đi bộ hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình); Tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 - Bitexco (quận Hoàng Mai); Không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora (huyện Hoài Đức)... Các tuyến phố đi bộ này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên những không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch để tạo nên không khí sôi động, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước. Đó cũng là tiền đề để kinh tế đêm “bứt tốc” khi ngành Du lịch bắt đầu hồi phục hậu Covid-19. 

Tránh sản phẩm trùng lặp, sao chép

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, không phải cứ mở nhiều tuyến phố đi bộ là có thể phát triển kinh tế đêm. Việc phát triển các tuyến phố này cần có sự nghiên cứu cẩn trọng và tầm nhìn chiến lược để không lãng phí nguồn lực của các địa phương. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, muốn kinh tế đêm phát triển, cần thu hút khách bằng các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lặp, sao chép... “Để phát triển kinh tế đêm, cũng cần tính tới hiệu quả kinh tế và mức chi tiêu của du khách, trong đó, chi phí dành cho ăn uống thường chiếm khoảng 60 - 70%, sản phẩm lưu niệm chiếm khoảng 20%, còn lại là các chi phí khác. Hà Nội có lợi thế về ẩm thực, di sản, lại sở hữu tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, do đó có thể đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ ăn uống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nổi tiếng là điểm đến an toàn. Đấy là nền tảng vững chắc để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế đêm cho Thủ đô” - ông Thắng nói. 

Sôi nổi các hoạt động về đêm tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Phát triển kinh tế đêm cần đặc biệt chú trọng đến việc khai thác tiềm năng và làm tăng giá trị điểm đến. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: “Giá trị điểm đến được xác định thông qua thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách. Khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều thì giá trị điểm đến sẽ càng được nâng cao. Đấy là cấu phần đóng góp vào tổng sản phẩm của địa phương (GRDP). Hà Nội là nơi hội tụ tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế đêm thông qua du lịch. Du khách thường tập trung về “trung tâm du lịch thứ hai” của cả nước, do đó, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ và chính quyền địa phương cần tranh thủ để “không cho khách ngủ” thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch về đêm khác biệt với hàm lượng văn hóa cao để khuyến khích du khách tới tìm hiểu, trải nghiệm, chi tiêu nhiều hơn, lưu trú trong thời gian dài hơn, qua đó mang lại nguồn thu cho địa phương”.

Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt và xây dựng môi trường du lịch an toàn, việc phát triển kinh tế đêm cần tính toán kỹ để tránh những hệ lụy lâu dài như sự biến tướng của tệ nạn xã hội, làm mất an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống của người dân tại khu vực phát triển du lịch, dịch vụ về đêm. Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) Trần Trọng Kiên: Cần phải tính toán kỹ các yếu tố, không thể phát triển kinh tế đêm bằng mọi cách hay bằng những hình thức, hoạt động nhạy cảm bởi những loại hình đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam bấy lâu chúng ta xây dựng. Thái Lan mặc dù được nhiều du khách quốc tế biết tới nhờ sản phẩm “sex tourism” (du lịch tình dục) nhưng họ cũng đang mất cả thập kỷ để xóa đi ấn tượng của du khách về nền “công nghiệp tình dục”.

Vì thế, để du lịch và kinh tế đêm phát triển một cách bền vững và định vị thương hiệu bằng những trải nghiệm, ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, hoạt động phù hợp, mang tính đặc trưng song song với việc tạo hành lang pháp lý cởi mở, thông thoáng để doanh nghiệp, người dân và địa phương yên tâm tham gia phát triển kinh tế đêm. Có như vậy, kinh tế đêm mới có thể “bứt tốc” và “tỏa sáng” trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Níu chân” du khách bằng sản phẩm đa dạng, đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.