(HNMO) - Giữa trưa nắng gay gắt, nắng phả vào mặt rát rạt, tôi bắt gặp những phụ nữ dân tộc Raglai ở làng Tham Dú, xã Phước Trung huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận vẫn cặm cụi múc từng giọt nước trong cái hố đất đào rộng chừng 0,6m, sâu 0,8m.
Nước đổ vào can nhựa lẫn cát với màu đục nhờ nhờ gần giống như nước vo gạo, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng nhận biết mất vệ sinh. Hãi hùng hơn khi quan sát xung quanh hố nước, bùn đất rơi vãi cùng với rác, phân gia súc nhiều vô kể.
Người dân Phước Trung chắt chiu từng giọt nước. |
Chị Cha Ma Léa Thị Bé (thôn Đồng Dầy, đi qua Tham Dú lấy nước) tâm sự: “Từ 4 giờ sáng, dân ở đây đã phải thức dậy tranh nhau lấy nước từ cái hố này. Nước mạch rỉ ra được bao nhiêu thì múc lấy bấy nhiêu. Nước bẩn này dùng để tắm giặt, rửa chén bát và lọc để nấu ăn. Nhưng khổ nỗi lắm khi cũng không còn... nước bẩn để dùng, bà con phải đi lấy nước ở xã khác, cách xa cả chục cây số!”.
Dòng suối Ngang chảy qua thôn Rã Giữa, xã Phước Trung với lớp lớp lá mục, cây gỗ, tre ngổn ngang và gia súc lội, ngâm mình dưới nước. Vậy mà, cả làng Rã Giữa, Rã Trên hằng ngày phải dùng nước suối này để sinh hoạt. Mùa này suối cạn kiệt, bà con cũng đào những cái hố trong lòng suối lấy nước sử dụng. Trong khi dân nghèo vừa lo cái ăn, lo khát, thì công trình cấp nước sinh hoạt (CTCNSH) ở Phước Trung không có nước, phơi giữa nắng mưa, gây lãng phí hàng tỉ đồng của Nhà nước. Chị Pinăng Thị Quý ở thôn Rã Giữa bức xúc khi sống ngay cạnh CTCNSH, nhưng chưa một lần được hưởng nguồn nước sinh hoạt tại đây.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND xã trích ngân sách 10 triệu đồng, chở 47 chuyến nước hỗ trợ cho bà con nơi khô hạn nặng. Địa phương cũng đã đề nghị UBND huyện Bác Ái cùng ngành chức năng kịp thời hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân”. Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã vận động bà con tham gia nạo vét kênh mương, khai thông suối khu vực thượng lưu để dẫn nước về. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt không mấy cải thiện. Vụ đông-xuân, toàn xã gieo trồng 126ha do thiếu nước, hiện nay 14ha lúa đã hư hại nặng, bà con nông dân đang tập trung cứu hạn cho những trà lúa trên 60 ngày.
Cũng theo anh Trần Quý Dương, mực nước các hồ thuỷ lợi trên địa bàn đều ở mức thấp, cụ thể là hồ Phước Trung còn 270.000m3, Phước Nhơn 80.000m3; dự báo các hồ sẽ xuống mực nước chết trong vòng nửa tháng tới. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, chính quyền địa phương thực hiện điều tiết, cân đối nước tưới cho cây trồng (chủ yếu là lúa), vừa đảm bảo nhu cầu nước uống cho 2.500 con gia súc. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thuỷ lợi tỉnh tiến hành đào 2 hồ tạm gần khu vực hồ Phước Nhơn, diện tích mỗi hồ rộng 300m2 để bổ sung nguồn nước sản xuất trong cao điểm mùa khô. Ông Trần Quý Dương cho biết thêm, 4 thôn của xã Phước Trung đều được đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung để người dân sử dụng. Tuy nhiên, từ 2012, các công trình này đều ngừng hoạt động, hệ thống ống nhựa thủng, vỡ, các vòi nước thì han gỉ, máy bơm bị cháy... Nguồn nước tự chảy đầu nguồn đập Ô Căm cũng bị “đứt mạch”.
Trong khi người dân thiếu nước sinh hoạt thì công trình nước sạch tiền tỷ lại phải bỏ không vì hư hỏng. |
Những ngày qua, UBND xã Phước Trung đã huy động xe bồn chở khoảng 120m3 nước từ các suối, hồ hỗ trợ cho dân dùng, nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu, vì quá nhiều hộ cần nước. Vậy nên dân khát nước là điều không thể tránh khỏi!
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoàng , Giám đốc Trung tâm NSH và vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: hiện không thể sửa chữa, khắc phục được hệ thống CTCNSH ở Phước Trung, vì đã bị hỏng hóc hoàn toàn. Hiện Trung tâm đã lập dự án nâng cấp công trình này với kinh phí lên đến 25,9 tỉ đồng, công suất 354m3/ngày-đêm, để cung cấp đủ nước cho 4 thôn ở Phước Trung. “Tuy nhiên, hiện kế hoạch đến năm 2015 vẫn chưa bố trí được vốn để đầu tư!” - Ông Hoàng nói như thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.