(HNM) - Năm 2013 khép lại với nhiều dấu ấn về sự chuyển mình của khu vực nông thôn Hà Nội, nơi đang tập trung 62% dân số của thành phố sinh sống tại 401 xã.
Vượt lên những khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả leo thang, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, đời sống của nông dân ngày một nâng cao. Trong những ngày này, về các vùng nông thôn Hà Nội, mắt thấy, tai nghe những câu chuyện làm kinh tế giỏi; việc xóm, thôn nô nức góp tiền, góp đất cùng Nhà nước phát triển hạ tầng nông thôn… niềm vui như được nhân đôi.
Cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống cho người dân huyện Ba Vì. Ảnh: Trọng Hải |
Ngày cuối năm, đến thôn Thanh Hội, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, những gương mặt nông dân phơi phới khi vụ cá được mùa. Đây chính là một trong 8 thôn đi đầu của xã Trung Tú về việc dồn điền, đổi thửa, mỗi hộ giờ chỉ còn 1-2 thửa. Có thửa lớn, nhiều hộ dân đã đào ao, thả cá nuôi vịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, cả thôn có hơn 90ha nuôi trồng thủy sản thu 200-300 triệu đồng/ha. Đây cũng là nơi có mô hình "làng lính đa canh" nổi tiếng cả nước do các cựu chiến binh, cựu quân nhân thành lập nuôi cá, cấy lúa, chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng cây ăn quả, trồng rau. Hiện 82 hội viên trong câu lạc bộ "làng lính đa canh" đều có mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nếu như những nông dân Trung Tú thu hoạch lớn với vụ cá cuối năm thì tại khu vực vùng bãi xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì lại nhuộm vàng mùa quả chín. Trang trại cam, quất cảnh của gia đình anh Lã Văn Thừa, thôn 1, xã Vạn Phúc xum xuê trái ngọt. Trang trại của nhà anh rộng 1,8ha, trồng hàng nghìn gốc cam, quất cảnh, dự kiến lãi hàng trăm triệu đồng trong dịp Tết này. Anh Thừa cho hay, năm 2013, sản xuất của gia đình có bước ngoặt mới khi địa phương triển khai dồn điền, đổi thửa. Những năm trước, để có 1,8ha canh tác, anh Thừa phải thuê đất của 102 hộ dân; nhưng bây giờ chỉ phải thuê của 13 hộ nên rất yên tâm đầu tư. Không riêng gì gia đình anh Thừa, trang trại hoa, cây cảnh của anh Phan Thanh Hưng có diện tích 2,8ha trước đây phải thuê đất của 135 hộ xã viên, nay chỉ phải thuê của 17 hộ đã đủ số diện tích để phát triển trang trại. Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phúc Đinh Quang Vinh cho biết, trước khi dồn điền, đổi thửa, diện tích đất nông nghiệp của xã rất manh mún, canh tác không hiệu quả nên hầu hết các hộ dân cho thuê với giá 200-500 nghìn đồng/sào/năm; nay dồn lại có thửa lớn, giá cho thuê đã tăng lên 1,2-1,5 triệu đồng/sào/năm; người thuê được đất cũng vui, có thửa lớn, canh tác thuận lợi...
Ngược lên khu vực Sóc Sơn, Mê Linh, năm 2013 khép lại với những thành công lớn trong công tác dồn điền, đổi thửa. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt cho rằng, triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã chọn việc khó làm trước, mang lại hiệu quả rất lớn, là bài học kinh nghiệm để thành phố chỉ đạo nhân rộng cách làm. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa hình thành các vùng trồng hoa nhài, dưa lê, chè... và đời sống người dân cũng đã tăng lên nhiều nhờ những mô hình chuyển đổi hiệu quả.
Về xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, địa phương có tới 80% dân số là người dân tộc Mường, thấy rất khác so với một Tiến Xuân của 5 năm về trước. Anh Nguyễn Văn Thành (39 tuổi) ở xã Tiến Xuân nhớ lại: "Khi về với Hà Nội, xã Tiến Xuân còn nghèo lắm. Đường về xã vẫn là những con đường đất, đá, hễ mưa là lầy lội. Trường học, trạm xá và cả điện lưới đều xuống cấp nghiêm trọng. Còn bây giờ, điện, đường, trường, trạm đã khang trang, ai nấy đều rất vui". Để có những con đường bê tông sạch sẽ, nhiều gia đình ở Tiến Xuân đã góp đất, góp ngày công và cả tiền. Gia đình anh Thành đã ủng hộ toàn bộ vật liệu làm tuyến đường dài 3km. Bà Đinh Thị Tình, ở thôn Miễu, xã Tiến Xuân chia sẻ: "Trước đây, thôn Miễu chưa có điểm trường mầm non nên các cháu nhỏ phải vượt quãng đường rất xa để đến trường. Tôi đã bàn với gia đình hiến 700m2 đất thổ cư để chính quyền địa phương xây dựng trường cho các cháu học. Giờ trẻ đã có chỗ học khang trang, xóm làng ai cũng vui".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, với một nguồn lực lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội đã có 55 xã đạt chuẩn NTM và hộ nghèo khu vực nông thôn hiện chỉ còn 3,8%. Đặc biệt, Hà Nội đã làm được cuộc "cách mạng ruộng đất" từ việc dồn điền, đổi thửa với diện tích cơ bản hoàn thành khoảng 76.000ha, thành phố hỗ trợ 70% kinh phí làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Đồng thời, thành phố cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị canh tác đạt khoảng 210 triệu đồng/ha/năm. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đã và đang có hàng nghìn, hàng triệu những hộ nông dân sẵn sàng đóng góp sức người và vật chất để xây dựng hạ tầng khang trang. Không dừng lại ở đó, nhiều tập tục lạc hậu ở các vùng nông thôn cũng đã được đẩy lùi.
Niềm vui đang lan tỏa trong những ngày đầu năm 2014, khởi đầu cho một năm mới thành công rực rỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.