(HNM) - Trao tận tay những món quà thiết yếu tới bà con đã xua tan mọi cảm giác mệt mỏi của những tấm lòng thiện nguyện.
Đoàn thiện nguyện trao quà ủng hộ bà con bản Dốc Mây. |
Nhọc nhằn bản Sắt, gập ghềnh Dốc Mây
Nằm lọt giữa những ngọn núi sừng sững của dãy Trường Sơn hùng vĩ, bản Sắt chỉ có vỏn vẹn 33 hộ với 141 khẩu. Đây là bản đầu tiên của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn làm lúa nước 2 vụ/năm nhưng cuộc sống của bà con vẫn vô cùng chật vật. Do ở vùng cao lại không có hồ dự trữ nước nên vào mùa khô, ruộng đồng thường xuyên trong tình trạng cằn khô. Thế nhưng, sang đến mùa mưa, dãy núi bao quanh bỗng trở thành đập chắn, gây ngập lụt. Theo Trưởng bản Hồ Văn Hiếu, diện tích đất trồng lúa của bản hiện nay vào khoảng 7,4ha, tính ra mỗi hộ được khoảng 6 sào ruộng, nhưng vì điều kiện canh tác khó khăn nên gạo thường không đủ ăn. Mức thu nhập trung bình của các hộ chỉ vào khoảng 300.000 đồng/tháng. Người dân nhiều lúc phải trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền.
Không chỉ có thế, người dân bản Sắt hằng ngày còn phải sinh hoạt trong tình trạng “4 không”: Không trạm y tế, không hệ thống nước sạch, không sóng điện thoại, không lưới điện. Khi nắng tắt thì bản Sắt cũng chìm vào bóng tối. Nhà nào “khá giả” lắm mới có chiếc bình ắc quy để thắp đèn khi cần thiết. Trong khi đó, giao thông cũng rất khó khăn. Trước đây, muốn vào bản, người dân phải trèo núi, băng rừng vài tiếng đồng hồ. Sau khi đường vào bản được mở từ năm 2014, việc đi lại đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là khi thời tiết nắng ráo. Chỉ cần mưa vài ngày, đất nền nhão ra, trơn trượt, ít ai có đủ can đảm vượt qua, vì thế mỗi khi có mưa lũ, bản Sắt gần như “ốc đảo”.
Gùi quà về bản. |
Cũng là một bản nghèo của người Vân Kiều ở vùng biên giới giáp Lào, song đường vào Dốc Mây còn khủng khiếp hơn nhiều. Muốn tới trụ sở UBND xã, người dân trong bản chỉ có cách duy nhất là băng rừng, lội suối, vượt qua những ngọn núi tai mèo hiểm trở. Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ cho biết, bản Dốc Mây hiện có 20 hộ và đều thuộc diện nghèo. Diện tích canh tác hầu như không có, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi. Nhưng số lượng gia súc, gia cầm cũng rất ít. Vì địa hình hiểm trở, mỗi lần có thiên tai, bão lũ, công tác cứu trợ đối với bản gặp rất nhiều khó khăn. Từ cửa rừng vào đến Dốc Mây, người thông thuộc địa hình cũng phải đi mất đến 4-5giờ. Còn với người chưa quen đường, thời gian phải gấp đôi.
Hành trình của những tấm lòng nhân ái
Theo kế hoạch ban đầu, sau khi trao quà cho người dân ở cửa rừng, đoàn thiện nguyện sẽ cùng bà con vào bản Dốc Mây. Tuy nhiên, vì trời mưa to nên đoàn chỉ đi được một phần quãng đường, đành hẹn trở lại Dốc Mây trong một ngày gần nhất. Mặc dù vậy, sự quan tâm của đoàn từ thiện cũng đã mang lại niềm vui cho những người dân bản nghèo. Chị Ta Bon tâm sự, khi biết tin có đoàn từ thiện tới thăm, dân bản rất vui. 6h sáng, đại diện các gia đình trong bản đã tới cửa rừng đón đoàn. Gia đình chị có 4 người nhưng chồng chị bị tai biến nằm liệt giường, một mình chị cáng đáng việc nhà, vừa chăm chồng, vừa nuôi con nên thiếu thốn đủ bề. Nhận được quà từ thiện là lương thực, vật dụng thiết thực, chị thật sự cảm động.
Liên tục tham gia các hoạt động từ thiện suốt 10 năm qua, anh Phan Ty, Chủ tịch Hội từ thiện Mái ấm Việt Nam tại Anh cho biết, chuyến đi tới bản Sắt và Dốc Mây lần này là một phần nối tiếp chương trình thiện nguyện thực hiện cuối năm ngoái tại bản Ploang và Rìn Rìn, cũng thuộc xã Trường Sơn. Anh Phan Ty hy vọng, những chuyến đi như vậy sẽ góp phần nhân lên tinh thần tương thân tương ái. Bằng những món quà nhỏ nhưng thiết thực, các nhóm từ thiện muốn nhắn nhủ rằng, dù ở vùng sâu, vùng xa, bà con có hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của đồng bào từ trong và ngoài nước. Dự kiến, mùa hè này, Hội từ thiện Mái ấm Việt Nam, sẽ tiếp tục phối hợp trao quà trợ giúp bà con tại bản Hôi Rấy và Nước Đắng.
Còn theo anh Lê Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội, việc lựa chọn các bản người Vân Kiều tại xã Trường Sơn xuất phát từ thực tế bởi đây là vùng sâu của tỉnh Quảng Bình, ít được các đoàn từ thiện tiếp cận. "Chúng tôi sẽ đồng hành lâu dài với bà con ở những vùng sâu, vùng xa như vậy” - anh Trung khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.