(HNM) - Cả cuộc đời, tên tuổi và tác phẩm của nhà văn Tô Hoài gắn bó với mảnh đất, con người Hà Nội. Với tình yêu sâu sắc, ông lặng lẽ quan sát, khám phá, viết về đất, về người, về phong tục Hà Nội một cách bền bỉ, trân trọng suốt đời văn.
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, ở làng Nghĩa Đô (phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài của ông mang theo cả dòng sông Tô và quê hương Hoài Đức. 17 tuổi, nhà văn viết tác phẩm đầu tay Dế Mèn phiêu lưu ký. Câu chuyện cảm động bắt nguồn từ những trò chơi con trẻ, của nhân vật Dế Mèn mang tâm trạng của cậu bé vùng ven đô Hà Nội thuở ấy đã hấp dẫn hàng triệu đứa trẻ với đủ màu da trên khắp hành tinh. Đến nay, tác phẩm này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, đã và đang được tái bản nhiều lần. Ông trở thành người bạn của hàng triệu thiếu nhi trên thế giới, thường xuyên trao đổi thư từ, trả lời thắc mắc của độc giả nhỏ tuổi.
Ông được mệnh danh là một biểu tượng của trí thức Thủ đô với sức làm việc bền bỉ, trí tuệ mẫn tiệp hiếm có, là cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội. Tình yêu Hà Nội lắng đọng trong ông thành các tác phẩm với đủ thể loại truyện, ký, tiểu thuyết: Mười năm; Quê người; Quê nhà; Những ngõ phố; Người đường phố; Chuyện cũ Hà Nội; Chiều chiều; Cát bụi chân ai… Tô Hoài thuộc Hà Nội, hiểu Hà Nội kỹ đến từng chân tơ kẽ tóc. Vì thế, Hà Nội trong tác phẩm của ông rất rõ nét, đặc trưng, riêng biệt với những âm thanh, màu sắc sống động, tự nhiên. Từ tác phẩm của ông, bạn đọc có điều kiện hiểu nhiều hơn về phong tục, nếp sinh hoạt, tên gọi phố phường, con người Hà Nội trong đời thường, trong chiến tranh thời thế kỷ XX. Trong số các tác phẩm viết về Hà Nội, tập truyện ngắn Chuyện cũ Hà Nội được coi là một tập ký sự đặc sắc, một điều tra xã hội học bằng văn chương về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Chuyện cũ Hà Nội tập hợp 114 truyện ngắn: Băm sáu phố phường, Phố nghề, Tiếng rao đêm, Con nhà người, Đêm giao thừa… đã tô đậm nét đẹp văn hóa, chất nhân văn của con người đất kinh kỳ. Ông là nhà văn Việt Nam có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, phát hành ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Tác phẩm của ông trở thành quen thuộc với bạn đọc cả nước và thế giới.
Từng giữ nhiều cương vị khác nhau, từ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội, nay đã ở tuổi 92, Tô Hoài vẫn liên tục sáng tác, ấp ủ những dự định mới về Hà Nội. Với những cống hiến không mệt mỏi vì văn hóa, con người Thủ đô, ông đã được vinh danh là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.